Lại bàn chuyện khủng hoảng Triều Tiên

16/01/2018 | 09:11 GMT+7

Bộ trưởng ngoại giao từ 20 quốc gia nhóm họp vào ngày 16-1 (giờ địa phương) tại TP.Vancouver, Canada để thảo luận về khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Đàm phán cấp cao liên Triều vào ngày 9-1.

Cuộc họp này do Canada và Mỹ đồng tổ chức giữa thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã giảm bớt, ít nhất là tạm thời. Tuy nhiên, Mỹ và các nước khác nói rằng cộng đồng quốc tế cần phải xem xét việc mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào chương trình hạt nhân của Triều Tiên. “Có nhiều bằng chứng cho thấy chiến dịch gây áp lực của chúng ta đã phát huy tác dụng ở Triều Tiên. Họ đang cảm thấy căng thẳng” - Giám đốc bộ phận hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ Brian Hook nói. Phát biểu tại một cuộc họp ở thủ đô Washington, quan chức này cho biết Mỹ sẽ tăng cường an ninh hàng hải xung quanh Triều Tiên để ngăn chặn tàu thuyền của Bình Nhưỡng vi phạm lệnh trừng phạt cũng như làm gián đoạn tài trợ và nguồn lực đối với chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Cuộc họp dự kiến thảo luận về cách kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên thông qua áp lực ngoại giao và tài chính. Tuy nhiên, Trung Quốc - được coi là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ giải pháp lâu dài này - không tham dự. “Tổ chức cuộc họp mà không bao gồm các bên quan trọng đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ không giúp giải quyết được vấn đề”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói tại một cuộc họp thường kỳ. Ngoài Trung Quốc, Nga cũng không tham gia cuộc họp này. Chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở thủ đô Bắc Kinh, Zhao Tong, nhận định rằng Mỹ không muốn Nga và Trung Quốc gây mất tập trung tại buổi thảo luận bằng cách đề nghị Mỹ - Hàn ngừng các cuộc tập trận quân sự, nếu họ tham dự.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định: “Một trong những bí mật tạo ra chiến thắng của cách mạng Triều Tiên giữa hoàn cảnh nhiều trở ngại là chúng ta đã chú ý đặc biệt tới phát triển khoa học và công nghệ. Chúng ta sẽ không có bất cứ khó khăn nào, ngay cả khi đối phương ban hành lệnh trừng phạt trong 10 hoặc thậm chí 100 năm”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đồng thời nhận định khả năng của Triều Tiên kháng cự mọi áp lực từ nước ngoài được bắt nguồn từ nền kinh tế tự cung tự cấp và chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu, công nghệ của Bình Nhưỡng.

Cả Nga và Trung Quốc đều coi con đường tốt nhất để thoát khỏi khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên là chiến thuật “đóng băng kép”, theo đó Triều Tiên ngừng phóng tên lửa đổi lại Mỹ và Hàn Quốc hoãn các cuộc tập trận chung. Phía Mỹ từng lên tiếng không ủng hộ đề xuất này.

Triều Tiên cũng từng kêu gọi Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự với Mỹ và cho rằng, các cuộc tập trận này là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi hai miền Triều Tiên ngày 9-1 nhất trí tổ chức các cuộc hội đàm quân sự nhằm làm dịu tình trạng căng thẳng trong khu vực.

Trước đó, vào ngày 4-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc điện đàm trong đó hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi về tình hình bán đảo Triều Tiên và đi đến thống nhất tạm ngưng tập trận chung trong thời gian diễn ra Olympic mùa Đông Pyeongchang 2018.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cùng ngày 4-1 khẳng định, các cuộc tập trận sẽ được tái khởi động sau khi sự kiện Olympic mùa Đông kết thúc.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>