Lại “nóng” chuyện kiểm soát súng đạn tại Mỹ

22/02/2018 | 08:45 GMT+7

Kiểm soát súng đạn hiện vẫn là bài toán nan giải đối với Mỹ mặc dù việc này đã được đề cập qua nhiều đời tổng thống.

Súng đạn - đến nay Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua một dự luật kiểm soát súng đạn nào đúng nghĩa.

Chưa đầy 2 tháng đầu năm 2018, nước Mỹ đã phải đối mặt với tổng cộng 18 vụ xả súng trong trường học. Đây cũng là vụ tấn công thứ 291 nhằm vào một cơ sở giáo dục Mỹ kể từ đầu năm 2013. Trong đó, đáng quan ngại là vụ xả súng gần đây nhất tại Trường cấp 3 Marjory Stoneman Douglas, bang Florida làm 17 người thiệt mạng và 14 người khác bị thương. Theo đó, ngày 14-2, một học sinh cũ đã xông vào Trường trung học Marjory Stoneman Douglas, Parkland và xả súng liên tục gây ra vụ đẫm máu trên. Nghi phạm được xác định là Nikolas Cruz, 19 tuổi, sau đó đã đầu hàng cảnh sát. Đây được xem là vụ xả súng trường học đẫm máu thứ 2 trong lịch sử Mỹ.

Nguyên nhan sâu xa dẫn đến vụ xả súng trên là do thiếu kiểm soát súng đạn ở quốc gia này. Thực tế, việc mua bán và sử dụng vũ khí tại nhiều bang ở Mỹ vẫn diễn ra mà không cần thông qua bất kể sự rà soát nào về lý lịch cũng như tiền sử tâm lý. Theo thống kê, ở Mỹ trung bình có 89 người chết mỗi ngày và 32.000 người chết mỗi năm vì bạo lực súng đạn ở Mỹ. Nếu như năm 1990, khoảng 19% dân Mỹ phản đối việc kiểm soát súng chặt chẽ hơn thì hiện nay khoảng 55% người Mỹ ủng hộ luật kiểm soát súng. Tuy nhiên, kể từ năm 1994 đến nay Quốc hội Mỹ chưa thông qua một dự luật kiểm soát súng đạn nào đúng nghĩa. Thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông đã nhiều lần nỗ lực thúc đẩy thông qua dự luật kiểm soát súng đạn, song đều bị thất bại trong bối cảnh Đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế trong Quốc hội.

Vụ xả súng vào trường học trên xem ra không mới nhưng đã khiến dư luận hoang mang đặc biệt là giới học sinh, sinh viên. Bởi lẽ, ngoài yếu tố súng đạn tràn lan khó kiểm soát thì bạo lực đẫm máu đã và đang xuất hiện với tần suất dày đặc trong trường học. Hệ lụy của nó là những cuộc biểu tình kêu gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump kiểm soát súng đạn tại quốc gia này. Đây không phải là lần đầu tiên diễn ra tuần hành kêu gọi kiểm soát súng đạn mà cứ sau mỗi vụ xả súng tại Mỹ lại có những tiếng nói kêu gọi kiểm soát súng đạn ở nước này. Tháng 12-2012, sau vụ xả súng nhằm vào ngôi trường Sandy Hook ở thành phố Newtown, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã yêu cầu Quốc hội thông qua một quy định luật pháp nghiêm khắc hơn liên quan tới việc sở hữu các loại vũ khí bán tự động và kiểm tra kỹ lưỡng danh tính cũng như lịch sử người mua. Tuy nhiên các nghị sĩ Cộng hòa, với sự ủng hộ của một số nghị sĩ Dân chủ đã làm thất bại dự luật này. Kể từ đó đến nay, không có bất kỳ biện pháp quy mô nào được thông qua ở cấp độ liên bang.

Sau vụ xả súng mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức hàng đầu trong Chính phủ Mỹ đã gửi lời chia buồn, cùng cầu nguyện va chia sẻ với những mất mát của các nạn nhân và gia đình của họ. Ông Trump cũng đã tuyên bố: “Không một đứa trẻ, không một người thầy hay bất kỳ ai khác còn phải cảm thấy nguy hiểm tại một ngôi trường của Mỹ”. Đây được coi như lời hứa an toàn hơn của ông Trump gửi tới tất cả người dân về một nước Mỹ.

Trong một động thái liên quan, Thống đốc bang Florida của Mỹ, ông Rick Scott cho rằng Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray cần phải từ chức, sau khi cơ quan này đã thừa nhận sai sót liên quan đến việc xử lý vụ xả súng trên. Ông Scott nhấn mạnh: “Việc FBI thất bại trong việc hành động chống lại kẻ sát nhân này là không thể chấp nhận. Chúng ta thường xuyên kêu gọi người dân “thấy gì, báo cáo đó” và một người dân dũng cảm đã làm như vậy. Và FBI đã không thể làm gì”. Một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa khác, bao gồm Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio, cũng đã lên tiếng chỉ trích FBI sau vụ xả súng nói trên.

Giới quan sát nhận định, cuộc chiến kiểm soát súng đạn ở Mỹ sẽ còn kéo dài bởi lợi nhuận từ bán vũ khí quá lớn và liên quan đến lợi ích của nhiều người. Bao giờ Mỹ mơi kiểm soát được súng đạn hiện vẫn chưa thể tìm được câu trả lời thỏa đáng.

Mỹ hiện có hơn 315 triệu dân nhưng có tới hơn 310 triệu khẩu súng đang lưu hành trong xã hội. Doanh thu bán súng đạn mỗi năm ước đạt khoảng 3,5 tỉ USD. Trung bình hàng năm, bạo lực súng đạn ở Mỹ gây tổn thất trên 229 tỉ USD, trong đó 8,6 tỉ USD chi phí liên quan tới việc cầm tù dài hạn những người có khả năng tấn công và sát thương bằng súng, 221 tỉ USD để chữa trị, ổn định cuộc sống của các nạn nhân bị thương và mai táng những người thiệt mạng.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>