Lại “nóng” chuyện người di cư

28/09/2022 | 18:06 GMT+7

Mặc dù phải đối mặt với nhiều rủi ro nhưng làn sóng người di cư bất hợp pháp vẫn cứ đổ về châu Âu và Mỹ với nhiều kỳ vọng.

Người di cư băng qua rừng rậm Darien.  Nguồn: AFP

Giới chức Panama mới đây cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 134.178 người di cư vượt rừng rậm Darien, biên giới tự nhiên giữa nước này và Colombia, vượt mức kỷ lục ghi nhận năm 2021 để tìm kiếm “giấc mơ Mỹ”. Bộ An ninh Công cộng Panama cho hay trong số những người này có cả phụ nữ mang thai, gia đình có con nhỏ, thậm chí là trẻ sơ sinh. Khi đến lãnh thổ Panama, những người này bị “mất nước, chân đầy vết lở loét” cùng thương tích trên khắp cơ thể trong hành trình dài đầy rủi ro.

Từ nhiều năm nay, hàng trăm nghìn người di cư đã trung chuyển qua tỉnh Darien và vùng lân cận Guna Yala, ở Panama trên đường đến Bắc Mỹ, bất chấp thiên nhiên hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt và các loại tội phạm như buôn người, cướp bóc, tống tiền và lạm dụng tình dục.

Trước dòng người di cư ngày càng gia tăng, Bộ An ninh Công cộng Panama đã tăng cường an ninh và hỗ trợ nhân đạo ở các cộng đồng gần biên giới. Tại đây có các trung tâm tiếp nhận người di cư, cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế ban đầu và lương thực thực phẩm.

Trong khi đó, mới đây nhà chức trách Mexico thông báo đã phát hiện trên 150 người di cư từ Trung Mỹ đang chen chúc trong một chiếc xe tải bị bỏ lại trên đường cao tốc ở miền Nam nước này. Trong số có 144 người Guatemala, 6 người Nicaragua và 3 người El Salvador. Toàn bộ số người này đang được chăm sóc y tế và cung cấp thực phẩm trước khi họ được bàn giao cho cơ quan nhập cư.

Trước đó, hồi tháng 6-2022, trên 50 người di cư đã thiệt mạng sau khi họ bị bỏ rơi trong container của 1 xe tải đầu kéo ở San Antonio, bang Texas của Mỹ. Trước đó, tháng 12-2021, 56 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương khi một chiếc xe tải chở theo người di cư từ Trung Mỹ đến Mỹ bị lật ở miền Nam Mexico.

Nếu như trước đây, làn sóng người di cư chủ yếu đến châu Âu, Mỹ bằng đường biển thì nay làn sóng này lại xuất hiện bằng đường bộ, với việc vượt rừng núi để tìm đến “miền đất hứa”. Theo Tổ chức Di cư quốc tế, khoảng 6.430 người di cư đã thiệt mạng hoặc mất tích trong hành trình di cư đến Mỹ kể từ năm 2014. Trong số đó, 850 người tử vong trong các vụ tai nạn giao thông hoặc có liên quan đến phương tiện giao thông nguy hiểm.

Theo một nghiên cứu của Viện Chính sách Di cư (MPI) và Chương trình Lương thực của Liên Hiệp Quốc (WFP), nghèo đói, mất an ninh lương thực, bạo lực và biến đổi khí hậu đã đẩy khoảng 378.000 người Trung Mỹ di cư đến Mỹ trong vòng 5 năm qua.

Trong khi đó, theo Bộ Nội vụ Mexico, trong năm 2021, nước này đã trục xuất hơn 114.000 người và bắt giữ 115.379 người di cư bất hợp pháp. Còn tại Mỹ, số người di cư bị lực lượng chức năng nước này bắt giữ tại biên giới với Mexico từ tháng 10-2020 đến tháng 9-2021 lên đến 1.734.686 - một con số cao kỷ lục.

Để hạ nhiệt làn sóng di cư bất hợp pháp sang Mỹ, mới đây Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố gói viện trợ nhân đạo mới trị giá 200 triệu USD dành cho Mexico và Trung Mỹ nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng di cư. Viện trợ sẽ được phân bổ thông qua các tổ chức phi chính phủ và quốc tế. Như vậy, viện trợ nhân đạo của Mỹ dành cho Mexico và Trung Mỹ đã vượt 594 triệu USD kể từ năm 2018.

Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) chỉ ra rằng, tính đến cuối năm 2021, có khoảng 89,3 triệu người trên thế giới phải di cư do bạo lực và xung đột. Đây là con số cao kỷ lục kể từ khi việc thống kê được tiến hành, tương ứng với mức tăng 8% so với năm trước đó và gấp đôi số liệu được đưa ra từ một thập kỷ trước. Đáng chú ý, có tới hơn 2/3 người di cư (khoảng 69%) đến từ 5 quốc gia gồm: Syria (6,8 triệu), Venezuela (4,6 triệu), Afghanistan (2,7 triệu), Nam Sudan (2,4 triệu) và Myanmar (1,2 triệu).

Giới quan sát nhận định, làn sóng người di cư sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới vì thiên tai do biến đổi khí hậu, dịch bệnh, xung đột và thiếu đói... Khi nào giải quyết căn cơ được những vấn đề trên thì mới hy vọng không còn người di cư bất hợp pháp. Tuy nhiên vấn đề này là bài toán khó không chỉ với các tổ chức nhân đạo quốc tế mà còn là câu chuyện dài chưa có hồi kết của nhiều quốc gia.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>