Làn sóng người tị nạn vào châu Âu: Vòng luẩn quẩn chưa có lối thoát

16/03/2018 | 08:58 GMT+7

Gần đây, hàng chục ngàn người tị nạn từ châu Phi bị bắt buộc phải hồi hương khi chưa đến được miền đất hứa châu Âu. Cuộc sống bấp bênh của họ sẽ tiếp tục gặp nhiều gian truân hơn.

Người di cư là nạn nhân của những kẻ buôn người. Họ bị lạm dụng, đánh đập thậm tệ. Ảnh: GETTY IMAGES

Bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, cho biết hơn 16.000 người di cư châu Phi đã được hồi hương sau một thời gian dài sống trong các trại dành cho người di cư mắc kẹt tại Libya. Trong khi đó, cả năm 2017 số người di cư được trở về nhà cũng chỉ xấp xỉ con số trên. Dự kiến, thời gian tới, sẽ có thêm 4.000-5.000 người tiếp tục được hồi hương. Các nhà chức trách hy vọng sẽ có thể sớm giải phóng toàn bộ các trại tị nạn tại Libya trong vài tháng tới.

Đây là ket quả nằm trong kế hoạch đẩy nhanh việc hồi hương tự nguyện kể từ tháng 12-2017 được các nhà lãnh đạo châu Âu và châu Phi công bố trước đó. Hành động này được tiến hành sau khi những cảnh quay kinh hoàng về tình trạng người di cư bị buôn bán như nô lệ tại Libya - nơi những đối tượng buôn người và tội phạm hình sự có thể thoải mái hoạt động mà không bị pháp luật trừng trị được công bố. Theo đó, tại các trại tập trung người tị nạn đã bị tra tấn, hãm hiếp và đánh đập dã man trong khi điều kiện sinh hoạt thiếu thốn mọi thứ kể cả nước và thực phẩm.

Hệ lụy của làn sóng người tị nạn châu Phi và Trung Đông vào các nước châu Âu liên tục gia tăng là tình trạng thất học, tệ nạn xã hội, dịch bệnh, ngược đãi… Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR), trẻ tị nạn nhìn chung ít được đến trường hơn so với những bạn đồng trang lứa khác, trong đó trẻ em gái là đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi các em vấp phải nhiều rào cản trong việc tiếp cận giáo dục. UNHCR cảnh báo, hơn 50% trong số khoảng 3,5 triệu trẻ em tị nạn không được đến trường, nhất là khi lên cấp hai. Trong khi có khoảng 84% trẻ em trên thế giới được cắp sách đến trường. Quan niệm “trọng nam, khinh nữ”, nguy cơ các em bị tấn công tình dục trong xã hội cũng là lý do cơ bản khiến tỷ lệ trẻ em gái không được đến trường gia tăng. UNHCR cảnh báo nếu thực trạng thất học của trẻ em gái tiếp tục bị phớt lờ thì hậu quả của nó sẽ còn ảnh hưởng đến cả những thế hệ tương lai sau này.

Trong khi đó, hiện nay nhiều quốc gia châu Âu đã rơi vào tình trạng khủng hoảng khi tiep nhận người di cư nên đã đóng cửa biên giới không tiếp nhận người di cư. Mặc dù vậy nhưng bất chấp nguy hiểm có khi phải trả giá bằng tính mạng nhưng những người tị nạn từ châu Phi vẫn tìm đường đến các nước châu Âu với mong muốn có cuộc sống tốt hơn. Theo số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), năm 2017 có khoảng 120.000 người di cư đến châu Âu bằng đường biển để chạy trốn chiến tranh ở Trung Đông và nghèo đói ở châu Phi. Trong số này đã có 3.116 người thiệt mạng. Từ đầu năm 2018 đến nay, có ít nhất 337 người đã thiệt mạng hoặc mất tích ngoài khơi Libya. Con số này sẽ tiếp tục tăng theo thời gian khi người tị nạn tìm cách vượt Địa Trung Hải để vào chau Âu tiếp tục gia tăng.

Mới đây nhất, lực lượng Hải quân Libya đã giải cứu 252 người di cư đang tìm đường đến châu Âu, trong hai hoạt động cứu nạn riêng rẽ ở ngoài khơi bờ biển phía Tây nước này. Người phát ngôn lực lượng Hải quân Libya Ayoub Qassem cho biết thêm, những người di cư này đã được đưa tới căn cứ Hải quân ở thủ đô Tripoli để được giúp đỡ y tế và nhân đạo. Sau đó, họ sẽ được chuyển tới cơ quan phòng, chống di cư bất hợp phap ở thành phố Tajoura, phía Đông Tripoli. Và được đưa trở về quê hương như những người trước họ.

Vòng luẩn quẩn của người tị nạn tìm đường sang châu Âu sẽ không có lối thoát khi chưa giải quyết được căn cơ khi quê nhà họ vẫn còn chiến tranh và đói khát.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>