Libya có ngừng bắn vì dịch Covid-19 ?

16/04/2020 | 08:53 GMT+7

Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã lên tiếng kêu gọi các phe đối lập ở Libya ngừng bắn để phòng dịch Covid-19 vì lợi ích cộng đồng.

Khói lửa bốc lên sau vụ tấn công do lực lượng Quân đội miền Đông Libya (LNA) tiến hành tại thủ đô Tripoli ngày 25-3-2020. Nguồn: THX/TTXVN

Mới đây, Quân đội miền Đông Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar chỉ huy đã liên tiếp nã rocket vào thủ đô Tripoli sau khi bị lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được LHQ công nhận đánh bật khỏi một số thị trấn ở phía Tây thành phố. Theo hãng tin AFP, thủ đô Tripoli rung chuyển do nhiều vụ nổ lớn, một số ngôi nhà quanh căn cứ không quân Mitiga ở ngoại ô phía Đông thành phố đã bị trúng rocket. Hiện chưa có thông báo về thương vong trong vụ giao tranh trên.

Trước đó, các lực lượng trung thành với GNA đã giành lại quyền kiểm soát thêm 4 thành phố từ LNA, đồng thời giành lại 2 thành phố chiến lược ở phía Tây thủ đô Tripoli là Sorman và Sabratha, vốn bị LNA chiếm đóng từ tháng 4-2019.

Người phát ngôn của GNA ra tuyên bố nhấn mạnh: “Các lực lượng của chúng tôi đã giành quyền kiểm soát Sorman và Sabratha, đồng thời đang truy đuổi các lực lượng của Tướng Haftar”. Hai thành phố chiến lược này nằm ở khu vực ven biển giữa thủ đô Tripoli và biên giới của Tunisia.

Trước đó, tình trạng xung đột nghiêm trọng giữa LNA và GNA đã tái diễn sau nhiều tuần im ắng, bất chấp cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Libya.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, mới đây đã bày tỏ quan ngại về tình hình chiến sự ở Libya, trong bối cảnh những dấu hiệu đầu tiên cho thấy dịch Covid-19 đã xuất hiện tại nước này. Theo đó, Libya đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 vào ngày 24-3. Hiện nay vẫn chưa có số liệu báo cáo chính xác về sự lây lan của dịch bệnh tại quốc gia này. Trong khi đó, Libya là quốc gia nghèo ở châu Phi thiếu điều kiện chăm sóc y tế nên khó ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.

Trong một diễn biến liên quan, Phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký LHQ, ông Farhan Haq, nêu rõ LHQ quan ngại về giao tranh ở Libya, dù xuất phát từ bất cứ bên nào, đồng thời nhắc lại rằng LHQ đã kêu gọi các bên ngừng bắn. Ông cũng nhấn mạnh: “Các bên xung đột cần phải dẹp các cuộc tấn công quân sự sang một bên, hợp tác với nhau, tạo điều kiện để LHQ hỗ trợ ứng phó đại dịch Covid-19 trước khi tình hình vượt ra khỏi tầm kiểm soát”.

Cùng quan điểm trên, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit đã lên tiếng hối thúc chấm dứt các hoạt động quân sự nhằm giữ “yên tiếng súng ở các khu vực xung đột Arab” để tập trung các nỗ lực quốc gia đối phó với các hiểm họa của đại dịch Covid-19 và ngăn chặn những mối nguy hại do dịch bệnh gây ra. Ông Aboul Gheit cũng kêu gọi thực thi thỏa thuận ngừng bắn trong một thời gian vì mục đích nhân đạo, đồng thời hối thúc lãnh đạo các phe phái ở Libya đề cao lợi ích quốc gia và bắt đầu giảm leo thang xung đột trên thực địa ngay lập tức.

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đến nay, Libya hiện rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực. Ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Lực lượng LNA của Tướng Khalifa Haftar ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi GNA được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn. Tranh giành quyền lực đã dẫn đến nội chiến đẫm máu bất chấp việc nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có cả LHQ kêu gọi chấm dứt xung đột.

Trong vài tuần qua có tới 3.700 người phải rời bỏ nhà cửa ở quận Abusliem tại thủ đô Tripoli để tránh các cuộc giao tranh. Nội chiến liên tục đã làm hơn 2,2 triệu người, gồm 600.000 trẻ em hiện sống ở Tripoli và các tỉnh, thành lân cận đang sống trong cảnh thiếu nước và các nhu cầu thiết yếu khác suốt hơn một tuần qua.

Một lệnh ngừng bắn ngay lập tức để cùng đối phó với dịch Covid-19 và thực thi chính sách nhân đạo tại Libya theo đề xuất của LHQ là cần thiết đối với quốc gia châu Phi này.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>