Liệu có chiến tranh Mỹ với Triều Tiên ?

23/03/2017 | 08:01 GMT+7

Nhiều kỳ vọng hạ nhiệt vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên từ chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, tuy nhiên kết quả thì không như mong đợi. Ngược lại những phát ngôn cứng rắn gần đây giữa các bên liên quan càng làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng có nhiều nguy cơ dẫn đến xung đột.

Một lần Triều Tiên phóng tên lửa trước đây. Nguồn: AP

Chuyến công du 3 nước châu Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc kéo dài 5 ngày lần đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vừa qua diễn ra trong bối cảnh tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang ngày một leo thang. Một mặt do Triều Tiên bất chấp Nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên nước này từ các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Mặt khác do Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn cũng như đẩy nhanh việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Điều mà dư luận quan tâm là những phát ngôn mạnh mẽ của ông Tillerson về những vấn đề liên quan đến Triều Tiên dự báo tình hình xấu hơn ở bán đảo Triều Tiên.

Tại Nhật Bản, ông Rex Tillerson cho rằng, chính sách đối với Triều Tiên trong 20 năm qua đã thất bại nên mối đe dọa từ quốc gia này càng leo thang hơn bao giờ hết. Một “cách tiếp cận mới” (có thể sẽ là một lệnh trừng phạt nghiêm khắc và toàn diện hơn) là cần thiết và nhiệm vụ quan trọng của ông trong chuyến công du này là nhằm trao đổi ý kiến với các bên về cách tiếp cận mới này. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng chính sách kiên nhẫn chiến lược đối với Triều Tiên đã chấm dứt và hành động quân sự chống lại Bình Nhưỡng có thể là “một giải pháp” được Mỹ cân nhắc. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với lãnh đạo Bắc Kinh, ông Rex Tillerson cho biết Mỹ và Trung Quốc cam kết làm mọi điều để ngăn chặn bất cứ một cuộc xung đột nào có thể xảy ra, hai bên nhất trí để đưa quá trình này đi đúng hướng.

Trong khi đó, Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo và đưa ra những phát ngôn đầy thách thức Mỹ và Hàn Quốc. Mới đây, Triều Tiên lại thử nghiệm động cơ tên lửa có công suất lớn phục vụ cho một phương tiện phóng vệ tinh thay vì là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Sự kiện đáng gây “sốc” hơn là kênh truyền hình tuyên truyền Uriminzokkiri TV của Triều Tiên đã trình chiếu hình ảnh mô phỏng một siêu hàng không mẫu hạm và máy bay chiến lược của Mỹ bị bắn hạ chìm trong biển lửa, nhằm chứng tỏ những quyết tâm của Bình Nhưỡng trong việc đáp trả các cuộc tập trận đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc. Triều Tiên luôn xem các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc là nhằm diễn tập cho một cuộc xâm lược nước này nên đã có những động thái đáp trả quyết liệt.

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap dẫn thông tin từ hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố rằng thế giới sẽ sớm chứng kiến việc nước này thử nghiệm động cơ tên lửa mới đây quan trọng như thế nào. “Mỹ nên mở to mắt mà đối mặt với tình hình thế giới. Triều Tiên có ý chí và khả năng ứng phó toàn diện với bất kỳ cuộc chiến tranh nào mà Mỹ muốn khơi mào”, một quan chức Triều Tiên nhấn mạnh.

Mặc dù cả Triều Tiên, Mỹ - Hàn Quốc đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh, tuy nhiên, theo các chuyên gia, khả năng Mỹ sử dụng đòn quân sự phủ đầu đối với Triều Tiên khó có thể xảy ra do điều này sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của Nga và Trung Quốc. Các chuyên gia cũng cho rằng, giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cần phải được thực hiện từ gốc, việc gia tăng cấm vận không phải là “quân bài” vạn năng để Mỹ có thể ép Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Muốn thực hiện được điều này, Mỹ cần phải có được sự hợp tác chặt chẽ của các bên, cũng như cần đưa được các bên liên quan quay trở lại bàn đàm phán. Về mặt lý thuyết là vậy, tuy nhiên để biến nó thành hiện thực là điều viễn tưởng khi mâu thuẫn giữa các bên liên quan ngày càng sâu nặng hơn.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>