Liệu có cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ?

06/02/2018 | 08:07 GMT+7

Lầu Năm Góc vừa công bố chính sách hạt nhân mới, đề nghị có thêm hai loại vũ khí khác, theo đó chấm dứt giai đoạn thu hẹp quy mô loại vũ khí này từng diễn ra dưới thời ông Obama. Nhiều nước lo ngại, liệu động thái này có châm ngòi cho cuộc chạy đua về vũ khí hạt nhân ?

Tổng thống Donald Trump muốn hiện đại hóa bộ ba hạt nhân của Mỹ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Chính sách hạt nhân của chính quyền nhiệm kỳ trước ở Mỹ được hoạch định dựa trên quan điểm mà ông Obama gọi là trách nhiệm đạo đức của nước Mỹ khi phải nêu gương trong quá trình loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi thế giới. Tuy nhiên, các quan chức thuộc chính quyền của tổng thống đương nhiệm Trump cũng như quân đội Mỹ cho rằng cách tiếp cận của ông Obama là quá lý tưởng hóa, nhất là trong bối cảnh hiện nay, theo đánh giá của họ, Nga đang xuất hiện trở lại như một kẻ thù của Mỹ, và cũng không mong gì các kẻ thù hạt nhân của Mỹ sẽ làm điều tương tự. Ngay trong bài thông điệp liên bang đầu tiên vừa đọc ngày 30-1 tuần qua, ông Trump cũng cam kết sẽ xây dựng một kho vũ khí hạt nhân “mạnh mẽ và uy lực tới mức có thể răn đe mọi hành vi gây hấn”.

Dĩ nhiên, với chính sách mới này của Mỹ đã làm cho nhiều nước quan ngại. Bắc Kinh kêu gọi Mỹ từ bỏ tư tưởng chiến tranh Lạnh và gánh trách nhiệm đi đầu trong việc giải trừ hạt nhân. Thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc có đoạn: “Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ từ bỏ “não trạng Chiến tranh Lạnh” của mình, nghiêm túc đảm nhận trách nhiệm giải trừ quân bị đặc biệt, hiểu đúng ý định chiến lược của Trung Quốc và khách quan xem xét việc Trung Quốc xây dựng quân đội và quốc phòng”. Họ cũng nói mình “kiên quyết đi theo con đường phát triển hòa bình”.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Duma Nga (Hạ viện) - ông Leonid Slutsky tuyên bố Báo cáo đánh giá vị thế hạt nhân (NPR) “rất nguy hiểm” và có thể dẫn tới một giai đoạn chạy đua vũ trang mới trên thế giới, khi mà các quốc gia khác có khả năng bắt đầu điều chỉnh các nguyên tắc của mình. Phát biểu với báo giới, ông Slutsky nhấn mạnh về cơ bản, NPR do Bộ Quốc phòng Mỹ mới công bố đã vi phạm các quy tắc về răn đe hạt nhân, làm gia tăng nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân trong bối cảnh đe dọa từ Triều Tiên tăng cao.

Còn Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố chính sách hạt nhân mới của Mỹ đã vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), đồng thời đưa thế giới đến gần hơn tới sự hủy diệt. Trên tài khoản Twitter, ông Zarif viết rằng Báo cáo NPR 2018 của Mỹ phản ánh sự phụ thuộc lớn hơn vào vũ khí hạt nhân của nước này, một hành động vi phạm NPT và đưa loài người tiến gần hơn tới sự hủy diệt.

Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) có hiệu lực vào năm 1970 và được hầu hết các nước ký, trong đó có Mỹ. NPT kêu gọi các quốc gia chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang vào thời gian sớm nhất có thể và thực thi các biện pháp theo hướng giải trừ vũ khí hạt nhân.

Theo các nhà phân tích, chính sách hạt nhân mới này của Mỹ đã chấm dứt các nỗ lực của chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama nhằm giảm bớt quy mô kho vũ khí của Mỹ cũng như tối thiểu hóa vai trò vũ khí hạt nhân trong kế hoạch quốc phòng, thay vào đó thể hiện tham vọng hạt nhân của Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Có thể thấy bản báo cáo dù tái khẳng định cam kết đối với các hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân, song vẫn kêu gọi hiện đại hóa, đa dạng hóa vũ khí hạt nhân nhằm tăng khả năng răn đe.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh hồ sơ hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên chưa được giải quyết hay những tranh cãi về bản chất chương trình hạt nhân Iran vẫn chưa ngã ngũ, giới phân tích lo ngại, những công bố mới của Mỹ có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, gây ảnh hưởng tới nỗ lực toàn cầu cấm phổ biến loại vũ khí nguy hiểm này.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>