Liệu Nga có trở lại G8 ?

12/06/2018 | 07:57 GMT+7

Tổng thống Vladimir Putin đã bày tỏ quan điểm về đề xuất đưa Nga quay trở lại nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8) do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra gần đây.

Nga chưa bao giờ rời khỏi G8 (nhóm 8 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) mà chính các đối tác của nước này đã từ chối tham dự cuộc gặp thượng đỉnh mà Matxcơva chủ trì. Đó là bình luận của Tổng thống Nga Vladimir Putin trước báo giới về đề xuất của các nhà lãnh đạo G7 nhằm đưa Nga trở lại nhóm này.

“Về việc Nga trở lại G7, hay G8, chúng tôi chưa từng rời khỏi nhóm này. Những đối tác của chúng tôi đã từ chối đến Nga vì lý do mà ai cũng biết. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ vui mừng được gặp mọi người ở Matxcơva”, Tổng thống Putin nêu rõ.

Tuyên bố của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất mời Nga trở lại G7. Ông Trump nói rằng một số nước trong khối cũng ủng hộ quan điểm này và bản thân ông tin rằng so với G7, mô hình G8 sẽ có ý nghĩa hơn đối với thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng khẳng định Matxcơva chưa bao giờ đề nghị bất kỳ ai để được cho phép quay trở lại G8. Ông Lavrov nói rằng Nga đã tham gia các thể chế khác như SCO, BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi), G20 (Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới) và các thể chế này đều có triển vọng tốt.

Các nước G7 đưa ra nhiều phản ứng trái chiều về tuyên bố của Tổng thống Trump. Trong khi Canada phản đối, một số nước hoan nghênh việc đưa Nga trở lại vì đây là lợi ích của tất cả các bên.

Hội nghị thượng đỉnh SCO kết thúc không lâu sau Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Canada. Hội nghị G7 năm nay diễn ra trong bầu không khí chia rẽ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy nhiều quan điểm bất đồng với các nước đồng minh. Nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí còn chỉ đạo cho cấp dưới rút lại ủng hộ đối với tuyên bố chung của G7.

Động thái của Tổng thống Trump được cho là có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và các thành viên còn lại trong G7 do những bất đồng về bảo hộ thương mại. Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ từng vấp phải sự chỉ trích vì quyết định áp thuế đối với các sản phẩm nhôm thép nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico.

Khi được hỏi so sánh hiệu quả giữa cơ chế G7 và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), ông Putin cho rằng, “các nước G7 giàu hơn nhưng nền kinh tế của các nước thuộc SCO rộng lớn hơn”, đồng thời nhấn mạnh rằng dân số của các nước SCO cũng lớn hơn, chiếm nửa số dân thế giới.

Nhóm G8 vốn gồm các nước thuộc G7 là Mỹ, Canada, Nhật Bản, Italia, Pháp, Đức và Anh cùng với Nga khi nước này tham gia vào từ năm 1999. Tuy nhiên, sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine đầu năm 2014, các thành viên G7 đã cùng nhau “loại” Nga khỏi G8 để vừa trừng phạt, đồng thời vừa gây áp lực với Matxcơva trong vấn đề Ukraine.

Thế nhưng, đòn trừng phạt loại Nga khỏi G8 chẳng những không hiệu quả mà còn “lợi bất cập hại” với G7. Nhóm những nước công nghiệp phát triển nhất thế giới này vốn đã xa rời vai trò của một tổ chức hợp tác về kinh tế để trở thành một nhóm quyền lực chính trị và an ninh trên toàn cầu kể từ khi có sự tham gia của Nga, song điều này liền mờ nhạt ngay khi thiếu vắng sự góp mặt của một cường quốc toàn cầu như Nga.

Trong khi vị thế và vai trò toàn cầu của G7 suy yếu thì Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) với sự góp mặt của không chỉ các thành viên G7 mà còn có cả Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… lại chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng. Nhiều vấn đề toàn cầu, từ kinh tế - thương mại, môi trường… cho tới chính trị và an ninh, đều đã được bàn thảo và tìm giải pháp tại diễn đàn G20.

Nga trở lại G8 tất nhiên giúp nâng cao vị thế và vai trò của cường quốc này, song cũng mang lại điều này cho chính những thành viên còn lại từng “biểu quyết” loại bỏ Matxcơva cách đây gần 3 năm bởi cuộc khủng hoảng Ukraine. Thế nhưng, khi thời thế thay đổi thì người “ra luật chơi” bây giờ không chỉ là G7 mà còn là Nga nữa.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>