Lo ngại bất ổn ở Myanmar

15/08/2017 | 08:08 GMT+7

Theo Nhà nước Myanmar, chính phủ nước này ngày 12-8 đã áp đặt một đợt lệnh giới nghiêm mới có hiệu lực “tại những khu vực cần thiết” khi quân đội tiến hành các chiến dịch càn quét.

Quân đội Myanmar. Nguồn: DAILYMAIL.CO.UK

Theo đó, Myanmar đã ban bố lệnh giới nghiêm mới ở bang miền Bắc Rakhine, nơi có hơn 1 triệu người Hồi giáo Rohingya sinh sống, trong bối cảnh chính quyền quốc gia Đông Nam Á đã triển khai hàng trăm binh sĩ đến khu vực bất ổn này để tăng cường sự hiện diện quân sự.

Trước đó, hôm 11-8, có tin Chính phủ Myanmar đã triển khai khoảng 500 quân tới một số thị trấn, trong đó có Buthidaung và Maungdaw, gần biên giới với Bangladesh. Quyết định của chính phủ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực và ban bố lệnh giới nghiêm diễn ra một tuần sau khi người dân địa phương tuyên bố đã tìm thấy thi thể của 7 tín đồ Phật giáo ở gần Maungdaw, sau khi họ phát hiện một trại của các chiến binh Rohingya.

Bang Rakhine là nơi được đặt tên theo nhóm người chiếm đa số sống tại vùng này và chủ yếu theo đạo Phật. Tuy nhiên, nơi đây cũng có nhiều người theo đạo Hồi, trong đó có người Rohingya. Myanmar vốn không công nhận người Rohingya là một trong các dân tộc thiểu số của nước mình, và gọi họ là người Bengalis - hay người nhập cư bất hợp pháp từ nước Bangladesh láng giềng - dù nhiều người đã sống tại Myanmar qua nhiều thế hệ.

Tình trạng bạo lực do mâu thuẫn sắc tộc và chia rẽ giáo phái đã hoành hành tại đây từ năm 2012, khiến nhiều người thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải rời bỏ quê hương. Như vụ tấn công hồi tháng 10-2016, quân đội được điều động hùng hậu đến khu vực biên giới, bắt giữ hơn 500 người và giết chết ít nhất 100 người. Có 6 binh sĩ chính phủ bị thiệt mạng. Hồi tháng 12-2016, Chính phủ Myanmar đã thành lập một ủy ban điều tra gồm 13 thành viên do Phó Tổng thống U Myint Swe đứng đầu nhằm điều tra các cuộc tấn công vũ trang trên, vốn khiến 9 cảnh sát và 5 binh sĩ thiệt mạng. Đây cũng là động thái đặc biệt hiếm thấy của chính quyền mới Myanmar.

Theo báo cáo mới công bố của Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng quốc tế (ICG) tiết lộ phong trào Harakah al-Yakin của người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar có mối liên hệ với những người gốc Pakistan và Ả Rập Xê Út. Nếu thông tin trên là xác thực, Myanmar có thể gặp khó khăn lớn trong việc giải quyết khủng hoảng về người Hồi giáo Rohingya.

Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã từng yêu cầu bảo vệ cộng đồng người Rohingya theo Hồi giáo tại Myanmar. Đầu năm nay, tại hội nghị đặc biệt diễn ra ở thủ đô Kuala Lumpur, với sự tham dự của các Ngoại trưởng OIC, tổ chức gồm 57 quốc gia thành viên này đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ thể hiện sự ủng hộ đối với cộng đồng người Rohingya, đồng thời kêu gọi Chính phủ Myanmar mở cửa cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại bang miền Bắc Rakhine, nơi có cộng đồng Rohingya sinh sống. Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký OIC Yousef Al-Othaimeen kêu gọi các lực lượng an ninh Myanmar kiềm chế trong cách đối phó với người Rohingya, nếu không sẽ làm bùng phát phản ứng bạo lực.

Nhiều nước cũng kêu gọi Myanmar thay đổi cách đối xử với người Rohingya. Đồng thời cảnh báo rằng nếu xung đột không được giải quyết, Đông Nam Á sẽ không chỉ nhìn thấy dòng người tị nạn mà còn có nguy cơ tạo ra mặt trận cho các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khai thác và xâm nhập.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>