Lo ngại biến thể mới Delta

21/06/2021 | 07:27 GMT+7

Chuyên gia khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 18-6 cho biết biến thể Delta, lần đầu được xác định ở Ấn Độ, đang trở thành chủng trội toàn cầu trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 mới bùng phát ở nhiều nơi.

Tổng số người thiệt mạng vì Covid-19 tại Brazil đã vượt mốc 500.000 người vào ngày 19-6, cao gấp 2 lần so với 6 tháng trước. Ảnh: AP

Nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Swaminathan cảnh báo, biến thể Delta của vi-rút SARS-CoV-2 có thể trở thành biến thể gây ra phần lớn số cas mắc Covid-19 trên toàn cầu.

Hiện WHO phân loại biến thể Delta ở mức “đáng lo ngại”. Trong báo cáo đầu tháng này, WHO cảnh báo, biến thể Delta đang tiếp tục lây lan nhanh chóng và ngày càng có nhiều quốc gia báo cáo các đợt bùng phát liên quan đến dòng biến thể này. Biến thể Delta hiện chiếm phần lớn số cas mắc Covid-19 ở Anh, Đức và Nga. Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Thế giới cảnh báo, biến thể Delta rất dễ lây lan và có thể gây bùng phát các đợt dịch mới nhanh hơn nhiều so với các biến thể trước đó.

Biến thể Delta xuất hiện ở gần 90% số cas mắc mới Covid-19 ở thủ đô của nước Nga. Chính quyền Matxcơva đã phải tạm ngừng tất cả các sự kiện quy mô lớn do dịch Covid-19 có xu hướng tăng mạnh trở lại.

Theo Thị trưởng Matxcơva Sergei Sobyanhin, các cas nhiễm mới ở thủ đô đã tăng gấp 3 lần với sức lây lan chưa từng thấy trong những làn sóng trước của đại dịch. Có gần 90% số cas nhiễm mới phát hiện biến chủng Delta. Chính quyền thành phố buộc phải cấm các sự kiện trên 1.000 người và tiếp tục gia hạn các hạn chế chống dịch bệnh đến ngày 29-6.

Hiện Nga là điểm nóng dịch Covid-19 lớn thứ 6 trên thế giới với trên 5,29 triệu cas nhiễm và hơn 128.900 trường hợp thiệt mạng.

Nước Anh ghi nhận sự gia tăng mạnh về các cas mắc biến thể Delta trong khi quan chức y tế hàng đầu của Đức dự đoán biến thể này sẽ trở thành chủng trội ở nước này bất chấp tỷ lệ tiêm chủng tăng.

Các quan chức WHO cho hay châu Phi vẫn là khu vực đáng lo ngại dù khu vực này ghi nhận số cas mắc mới chiếm khoảng 5% và cas tử vong mới chiếm khoảng 2% toàn cầu.

Ông Mike Ryan, người đứng đầu chương trình các tình trạng khẩn cấp của WHO, cho rằng số cas nhiễm mới ở Namibia, Sierra Leone, Liberia và Rwanda tăng gấp đôi trong tuần trước khi khi vấn đề tiếp cận vắc-xin còn hạn chế.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky cho rằng biến thể Delta có thể trở thành chủng trội ở Mỹ trong 2 hoặc 3 tháng tới. Biến thể này dễ lây lan nhất và có nhiều khả năng gây bệnh nặng hơn cho những người chưa được chủng ngừa.

Tổng thống Biden hôm 18-6 cho rằng: “Đây là một biến thể dễ lây nhiễm hơn, có khả năng gây tử vong cao hơn và đặc biệt nguy hiểm đối với những người trẻ tuổi nhưng tin tốt là chúng ta có giải pháp. Khoa học và dữ liệu rõ ràng cho thấy rằng vắc-xin là hình thức hiệu quả nhất giúp ngừa biến thể mới”.

Đến nay khoảng 65% người Mỹ từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin.

Tại Brazil,  tổng số người thiệt mạng vì Covid-19 đã vượt mốc 500.000 người vào ngày 19-6, cao gấp 2 lần so với 6 tháng trước - một dấu hiệu cho thấy tỷ lệ tử vong đang tăng mạnh. Theo cac chuyên gia, Brazil trở thành “kho chứa biến thể mới”.

Với việc không phong tỏa và chỉ 11,4% dân số được tiêm chủng đầy đủ, Brazil bị mô tả là “kho chứa các biến thể mới” và ngày càng bị thế giới cô lập. Đến giờ, hơn 100 quốc gia ban bố lệnh hạn chế nhập cảnh đối với hành khách đến từ Brazil, theo Bộ Ngoại giao Brazil.

Theo một nghiên cứu của nhóm chuyên gia được dẫn đầu bởi nhà dịch tễ học Pedro Hallall, Trường Đại học Liên bang Pelotas (Brazil), khoảng 75% số cas tử vong tại Brazil có thể tránh được nếu quốc gia này tuân thủ các quy tắc chống dịch cơ bản. Cũng theo nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Lancet, khoảng 80% số cas tử vong có thể tránh được nếu Chính phủ Brazil chống dịch quyết liệt như một quốc gia trung bình.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>