Lối mở cho chính trường Đức

07/12/2017 | 07:46 GMT+7

Những diễn biến gần đây của cuộc đàm phán lập chính phủ liên minh tại Đức đã cho thấy rõ thiện chí của các bên nhằm giải quyết tình trạng bế tắc chính trị ở nước này hiện nay.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Martin Schulz. Ảnh: REUTERS

Mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel - cũng là Chủ tịch Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cùng Chủ tịch Đảng Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) Horst Seehofer và Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Martin Schulz đã nhất trí tiến hành đàm phán về việc thành lập một chính phủ liên minh cầm quyền. Lãnh đạo 3 đảng đã thảo luận nhiều phương án đối với việc thành lập chính phủ, bao gồm cả việc thành lập một chính phủ thiểu số do bà Merkel đứng đầu. Chủ tịch SPD Martin Schulz cho biết, các cuộc đàm phán với CDU/CSU về việc thành lập chính phủ liên minh sẽ bắt đầu vào tuần tới, nếu các đảng viên đạt được sự nhất trí tại đại hội đảng dự kiến diễn ra vào cuối tuần này. Nếu được thông qua thì lãnh đạo hai đảng sẽ có các cuộc thảo luận dựa trên những kiến nghị bằng văn bản. Ông Schulz khẳng định: “Lựa chọn mà chúng tôi đưa ra sẽ dựa trên cơ sở những gì tốt nhất cho tương lai của đất nước, của châu Âu và của nền dân chủ”.

Theo đó, SPD đã đưa ra một danh sách những yêu cầu cho các cuộc đàm phán sắp tới, trong đó có các đề xuất liên quan tới vấn đề kinh tế hay nhập cư. Đây đều là những vấn đề gây chia rẽ liên minh cầm quyền trước đây giữa SPD và CDU/CSU và khiến SPD quyết tâm trở thành một đảng đối lập sau cuộc tổng tuyển cử vừa qua tại nước này.

Những diễn biến mới này đã cho thấy rõ thiện chí của các bên nhằm giải quyết tình trạng bế tắc chính trị hiện nay. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là đàm phán thành lập liên minh giữa SPD và CDU/CSU lần này sẽ diễn ra không dễ dàng bởi những bất đồng giữa hai bên là không hề ít. Nếu kịch bản xấu nhất là SPD và CDU/CSU không thể tái lập chính phủ “đại liên minh” như trong suốt hơn 10 năm qua, nước Đức nhiều khả năng sẽ phải tiến hành một cuộc tổng tuyển cử mới, điều mà cả Tổng thống Frank Walter Steinmeier và Thủ tướng Angela Merkel đều không mong muốn.

Trong một động thái liên quan, Chủ tịch CSU Horst Seehofer đã tuyên bố không chạy đua vào chức Thủ hiến bang Bavaria trong cuộc bầu cử địa phương vào năm tới. Ông Markus Ferber, thành viên cấp cao của CSU, cho biết ông và các thành viên của đảng này đã có các cuộc thảo luận kỹ càng về vấn đề tranh cử nói trên. Theo đó, đảng này sẽ đề xuất một ứng cử viên ra tranh cử chức Thủ hiến bang Bavaria vào năm 2018. Nhiều khả năng ông Markus Soeder, một nhân vật có tư tưởng cánh hữu, sẽ được chọn để thay thế ông Seehofer. Động thái trên có thể ảnh hưởng tới những nỗ lực thành lập một chính phủ liên minh ổn định ở cấp liên bang với SPD theo đường lối trung tả.

Tuy nhiên, có thể khẳng định đàm phán chính phủ liên minh cầm quyền giữa SPD và CDU/CSU là tín hiệu khả quan nhằm cải thiện khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Đức trong nhiều tháng nay. Việc này nếu diễn ra thành công sẽ mở ra con đường mới cho ổn định chính trị không chỉ ở Đức mà còn tác động tích cực đến sự phát triển của Liên minh châu Âu. Bởi lẽ, từ vài thập niên qua nước Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - luôn đóng vai trò là trụ cột giúp châu Âu ổn định. Nước Đức đã và đang giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng di dân và những nguy cơ đe dọa từ thế lực phe cực hữu hồi sinh… Điều này không chỉ ở hiện tại mà còn trong tương lai.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>