Macedonia sẽ đổi tên nước ?

02/10/2018 | 08:27 GMT+7

Macedonia hôm 30-9 đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia, mở đường cho việc nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU). Cuộc bỏ phiếu được thực hiện sau khi Macedonia đạt thỏa thuận với Hy Lạp liên quan đến tranh cãi về vấn đề tên nước.

Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev cùng con trai đi bỏ phiếu về việc đổi tên nước ngày 30-9. Ảnh: REUTERS

Tranh cãi giữa Hy Lạp và Macedonia bùng phát từ năm 1991 sau khi Macedonia tuyên bố độc lập. Athens phản đối quốc gia láng giềng lấy tên “Macedonia” vì trùng với tên một tỉnh ở phía Bắc Hy Lạp và có thể gây hiểu nhầm về chủ quyền.

Trước đó, Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov kiên quyết từ chối ký thỏa thuận về đổi tên nước này vì cho rằng, đây là một hành động vi hiến. Thế nhưng, lập trường cứng rắn kiên quyết không ký phê chuẩn thỏa thuận của Tổng thống Gjorge Ivanov cũng không thể ngăn cản được thỏa thuận này, bởi lẽ Quốc hội Macedonia bác bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống bằng tỷ lệ đa số tối thiểu trong cuộc bỏ phiếu lần thứ hai.

Hơn nữa, Tổng thống nước này chỉ có quyền phủ quyết quyết định của Quốc hội duy nhất một lần và không có quyền phủ quyết kết quả trưng cầu ý dân. Vì vậy, cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức được cho là sẽ mang tính chất quyết định.

Theo thông báo của Ủy ban Bầu cử quốc gia Macedonia, trên 91% cử tri ủng hộ thỏa thuận đổi tên nước đã ký với Hy Lạp trong khi chỉ có trên 5% cử tri phản đối. Tuy nhiên, chỉ với 36,36% cử tri tham gia cuộc trưng cầu ý dân sau khi kiểm đếm hơn 91% số phiếu bầu, chưa đạt được con số cần thiết là 50% cử tri tham gia.

Phát biểu tại một buổi họp báo, Thủ tướng Zaev khẳng định, với hơn 650.000 cử tri tham gia, cuộc bỏ phiếu là một dấu mốc quan trọng cho tương lai của Macedonia. Đã có hơn 90% cử tri bỏ phiếu đồng ý đổi tên nước và ủng hộ thỏa thuận Macedonia đã ký với Hy Lạp và trở thành thành viên của NATO và EU. Thủ tướng Zaev còn cho biết, trong tuần tới Chính phủ sẽ cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của 2/3 số nghị sĩ Quốc hội để thông qua một số nội dung sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với thỏa thuận mà nước này đạt được với Athens. Trong trường hợp đề nghị của Chính phủ không được thông qua, nước này sẽ giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử sớm.

Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội Twitter, Ủy viên châu Âu phụ trách mở rộng EU Johannes Hahn khẳng định, kết quả cuộc bầu cử cho thấy người dân Macedonia mong muốn hội nhập EU và kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị tôn trọng quyết định này vì lợi ích của đất nước.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Macedonia đổi tên nước, coi đây là cơ hội lịch sử để chấm dứt hàng thập kỷ tranh chấp với nước láng giềng. Ông kêu gọi lãnh đạo chính trị và các chính đảng tại Macedonia cần can dự tích cực và có trách nhiệm để nắm bắt cơ hội lịch sử này, khẳng định cánh cửa của NATO luôn để ngỏ.

Trong khi đó, EU cũng hối thúc tất cả các bên tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu ý dân của Macedonia, và thúc đẩy nó với trách nhiệm cao nhất cũng như đoàn kết giữa các chính đảng vì lợi ích của đất nước.

Cộng hòa Macedonia có những tranh cãi với Hy Lạp về tên gọi của nước này do Macedonia lại là một vùng đất lịch sử nằm trên lãnh thổ nhiều quốc gia khác nhau và có lịch sử/văn hóa gắn liền Hy Lạp. Vì vậy vào năm 1991, nước này tách ra khỏi Liên bang Nam Tư và đã gia nhập Liên Hiệp Quốc với tên gọi Cựu Cộng hòa Nam Tư Macedonia, tuy nhiên tên gọi là Cộng hòa Macedonia cũng được sử dụng rộng rãi để chỉ nước này. Vào ngày 12 tháng 6 năm 2018, hai chính phủ Macedonia và Hy Lạp đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ chấm dứt tranh chấp, trong đó có việc tên nước Macedonia được đổi thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Macedonia giáp với Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo về phía Bắc, giáp với Albania về phía Tây, giáp với Hy Lạp về phía Nam và giáp với Bulgaria về phía Đông. Dân số của nước này khoảng 2 triệu người.

 

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>