Mekong đang ngắc ngoải

12/05/2020 | 06:44 GMT+7

Nguồn cung thực phẩm và sinh kế của hàng chục triệu người ở khu vực hạ lưu sông Mekong đang bị đe dọa nghiêm trọng trong lúc đang có đại dịch Covid-19.

Mực nước sông Mekong tại tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan xuống mức thấp nhất trong gần 100 năm qua. Ảnh: TTXVN

Ngư dân ở Đông Bắc Thái Lan cho biết sản lượng cá trên sông Mekong sụt giảm mạnh trong khi sinh kế của nhiều nông dân ở Việt Nam và Campuchia lao đao vì mất mùa. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là bởi mực nước thất thường trên sông Mekong - con sông dài thứ 3 châu Á (khoảng 4.300km).

Nghiên cứu của nhiều tổ chức phi chính phủ gần đây chỉ ra rằng 11 đập thủy điện mà Trung Quốc xây dựng ở thượng lưu sông Mekong, với 5 con đập trong số này hoạt động từ năm 2017, đã làm thay đổi dòng chảy của sông, khiến mực nước sông trở nên thất thường, đe dọa an ninh lương thực và sinh kế của hơn 60 triệu dân ở các quốc gia khu vực hạ lưu sông.

Theo báo cáo của Ủy ban sông Mekong (MRC) được cập nhật hồi tháng 1 năm ngoái, sản lượng cá có thể giảm 40% trong năm 2020 và giảm tới 80% vào năm 2040 trên sông Mekong do sự kết hợp của việc xây dựng các con đập, nạn đánh bắt cá bất hợp pháp và biến đổi khí hậu.

Những lo ngại về an ninh lương thực trong khu vực đã được khơi lại hồi tháng trước khi Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Eyes on Earth (Mỹ) cho biết dữ liệu vệ tinh cho thấy Trung Quốc có lượng mưa trên mức trung bình từ tháng 5 đến tháng 10 hồi năm ngoái nhưng đã giữ lại một lượng nước trong đợt hạn hán.

Bằng cách so sánh dữ liệu vệ tinh từ các nguồn mở và các nguồn có sẵn miễn phí do Ủy hội sông Mekong cung cấp, các nhà khoa học của Eyes on the Earth đã phát triển một công cụ có thể xác định khi nào và ở đâu dòng chảy tự nhiên của dòng sông bị thay đổi.

Báo cáo của họ cho thấy những bằng chứng rất đáng quan ngại rằng Trung Quốc đã và đang điều chỉnh dòng chảy dọc theo sông Mekong trong suốt 25 năm qua với sự điều chỉnh dòng chảy tự nhiên lớn nhất xảy ra ở những công trình xây dựng và các đập thủy điện lớn. Nghiên cứu này chỉ ra rằng mực nước thấp kỷ lục trong lịch sử ở hạ nguồn sông Mekong trở nên tồi tệ hơn do Trung Quốc làm thay đổi dòng chảy của nguồn nước ở thượng nguồn.

Mực nước sông Mekong lên xuống tự nhiên khi dòng sông chuyển từ giai đoạn mùa mưa sang mùa khô hàng năm. Dữ liệu do Eyes on Earth cung cấp dựa trên các phép đo vệ tinh về lượng giáng thủy ở thượng lưu sông Mekong và lượng tuyết tan từ dãy Himalaya. Điều này giúp các nhà nghiên cứu có cơ sở để đo lường tác động của các đập ở thượng nguồn của Trung Quốc. Bằng cách tính toán sự khác biệt giữa mực nước dự kiến và mực nước thực tế, các nhà nghiên cứu thấy sự khác biệt của sông Mekong trong trạng thái tự nhiên và khi bị can thiệp.

Hiện tại ngoài 11 con đập đã xây dựng trên thượng nguồn sông Mekong, dự định còn xây thêm 10 con đập nữa trong tương lai. Điều này sẽ không chỉ làm giảm trầm trọng thêm nữa lượng nước ở hạ lưu mà còn gây ra sự biến đổi của dòng chảy ở các khu vực ven biển.

Trung Quốc nhờ có vùng cao nguyên Tây Tạng giàu nguồn nước và vùng Tân Cương rộng lớn, Trung Quốc trở thành thượng nguồn các con sông chảy xuống 18 quốc gia vùng hạ lưu. Theo quan điểm của nhiều nhà quan sát, Bắc Kinh đang không ngừng có hàng loạt các hành động bức hiếp láng giềng không chỉ thấy trên Biển Đông và các vùng biển quanh Trung Quốc mà còn thể hiện trên đất liền, với việc khống chế nguồn nước của các con sông tỏa ra khắp khu vực.

Theo tờ South China Morning Post (Hong Kong), ông Harris Zainul, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Malaysia, cho rằng đại dịch Covid-19 có thể trở thành một yếu tố tác động tiêu cực trong cuộc tranh cãi về sông Mekong. Chuyên gia này cảnh báo các quốc gia, gồm các nước ở khu vực hạ lưu sông Mekong, sẽ nhạy cảm hơn trước các tác động bất lợi phát sinh từ mực nước thấp trên sông Mekong, có thể kéo theo phản ứng mạnh mẽ đối với Trung Quốc.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>