Miền Đông Ukraine tiếp tục giao tranh ác liệt

22/12/2017 | 05:09 GMT+7

Chỉ hơn một tuần giữa tháng 12 này đã có khoảng 16.000 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn ở Đông Ukraine. Đây là tín hiệu dự báo tình hình leo thang căng thẳng giữa quân đội chính phủ và phe đối lập đang gia tăng.

Nhân viên quân sự Ukraine làm nhiệm vụ ở miền Đông. Ảnh: REUTERS

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết, cuộc chiến ở miền Đông Ukraine đã leo thang đến mức “tồi tệ nhất” trong nhiều tháng trở lại đây. Trưởng phái bộ giám sát đặc biệt của OSCE tại Ukraine Ertugrul Apakan cho biết: “Chúng tôi đặc biệt quan ngại về tình hình an ninh bị suy yếu nghiêm trọng vì các vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn được ghi nhận đạt đến mức kỷ lục kể từ tháng 2-2017 tới nay”. Theo ông Apakan, sự leo thang căng thẳng hiện nay phản ánh một xu hướng quen thuộc đó là ngay sau khi tái cam kết dừng bắn, các bên lại gia tăng mức độ bạo lực dẫn đến các cuộc giao tranh dữ dội. Thông tin trên được OSCE đưa ra ngay sau vụ bắn phá nhằm vào một ngôi làng ở Donetsk, miền Đông Ukraine làm 8 dân thường bị thương và hàng chục ngôi nhà bị phá hủy.

Trước đó, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA) cho biết tính đến đầu tháng 12, có hơn 2.500 dân thường đã thiệt mạng và khoảng 9.000 người bị thương tại khu vực miền Đông Ukraine kể từ khi xảy ra cuộc xung đột hồi tháng 4-2014. Theo OCHA, khoảng 200.000 người sống dọc chiến tuyến giữa quân đội chính phủ và lực lượng ly khai thường xuyên hứng chịu cảnh tên rơi đạn lạc, thiệt mạng và mất nhà cửa. Khoảng 1.500 cuộc đụng độ giữa hai bên diễn ra mỗi tháng khiến cuộc sống của người dân luôn bị đe dọa. Phái đoàn giám sát đặc biệt của OSCE cho biết, có ít nhất 400 dân thường thương vong do các cuộc xung đột trong năm 2017.

Trong một động thái liên quan, phía Nga mới đây đã tuyên bố sẽ rút khỏi trung tâm quốc tế kiểm soát chế độ ngừng bắn ở vùng Donbass (tức Đông Nam Ukraine). Cụ thể, các quân nhân Nga tham gia trung tâm này sẽ rời khỏi lãnh thổ Ukraine. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, đây là biện pháp bắt buộc do đại diện của Nga không còn có điều kiện làm việc tại trung tâm này vì những “quan điểm của chính quyền Ukraine”. Bộ này cho biết, Kiev từ chối mọi quy định bằng văn bản về hoạt động của trung tâm phối hợp kiểm soát và điều phối chế độ ngừng bắn, ngoài ra còn cố tình tạo ra điều kiện tâm lý căng thẳng và cản trở các đại diện của Nga thực hiện nghĩa vụ của mình ở Trung tâm. Các sĩ quan của Nga bị hạn chế tiếp cận đường giới tuyến, kiểm tra việc canh gác tại các trạm quan sát chung. Ngoài ra, phía Ukraine còn ban hành quy định từ ngày 1-1-2018 các quân nhân Nga phải thông báo các thông tin cá nhân sẽ gây khó khăn hơn nữa cho hoạt động của quân nhân Nga.

Trung tâm phối hợp kiểm soát và điều phối chế độ ngừng bắn có sự tham gia của đại diện hai phía Nga và Ukraine để kiểm soát tình hình thực hiện thỏa thuận Minsk. Trung tâm này bắt đầu hoạt động tại miền Đông Nam Ukraine kể từ tháng 9-2014.

Trong khi đó, tại Kiev hàng nghìn người đã tập trung và tổ chức biểu tình hòa bình liên quan đến việc bắt giữ cựu Thống đốc vùng Odessa Mikhail Saakashvili. Diễn biến sau đó đã dịu lại khi cảnh sát chống bạo động Ukraine được triển khai và phong tỏa các lối vào Cung điện. Ông Mikhail Saakashvili cáo buộc lực lượng chức năng Ukraine đã khiến tình hình trở nên căng thẳng dẫn tới bạo lực. Trong khi đó, Bộ Nội vụ Ukraine khẳng định ông Saakashvili phải chịu trách nhiệm cho diễn biến bạo lực này. Những diễn biến trên đã làm gia tăng căng thẳng và bạo lực ở Ukraine.

Thực tế, tình hình chính trị của Ukraine vô cùng rối ren đã dẫn đến vi phạm thỏa thuận hòa bình Minsk nên giao tranh liên tục diễn ra. Trong khi đó, Nga, nước đóng vai trò chính để kiểm soát tình hình thực hiện thỏa thuận này lại tuyên bố rút quân khỏi Trung tâm quốc tế kiểm soát. Giới quan sát cho rằng giao tranh ở miền Đông Ukraine sẽ càng tồi tệ hơn khi vắng sự hiện diện của Nga.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>