Mong manh phục hồi thỏa thuận JCPOA

18/08/2020 | 16:46 GMT+7

Mặc dù khó khăn nhưng nhiều quốc gia liên quan vẫn muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1.

Bên trong một cơ sở hạt nhân của Iran. Ảnh: IRNA

Mới đây, Nga cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) hồi năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA). Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) đặt cơ sở pháp lý cho việc thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh việc ký kết thỏa thuận này là một bước đột phá lớn về chính trị và ngoại giao nhằm tăng cường kiểm soát vũ khí hạt nhân và an ninh tại khu vực Trung Đông.

Trong cuộc điện đàm mới đây với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã trao đổi ý kiến về đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tổ chức một hội nghị trực tuyến các Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ cùng với Đức và Iran nhằm thảo luận vấn đề liên quan đến Tehran và những căng thẳng ở Vịnh Persia. Ngoài ra, hai Ngoại trưởng cũng thảo luận việc lên kế hoạch tổ chức các cuộc tiếp xúc song phương trong thời gian tới.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, mục đích của việc tổ chức hội nghị này là nhằm tìm giải pháp đảm bảo an ninh tại Vịnh Persia có tính đến mối quan tâm của tất cả các bên liên quan.

Đồng thuận với quan điểm trên, Trung Quốc đã hoan nghênh đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin và cho rằng đây là việc làm nhằm tránh “sự đối đầu” liên quan tới lời cảnh báo của Mỹ kích hoạt việc tái áp đặt tất cả các biện pháp trừng phạt của LHQ nhằm vào Iran. Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục duy trì liên lạc chặt chẽ và phối hợp với tất cả các bên liên quan để cùng thúc đẩy giải pháp chính trị về vấn đề hạt nhân Iran. Đồng thời, Bắc Kinh cũng kêu gọi Mỹ chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương và tôn trọng Thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông có thể sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về Iran do Nga đề xuất. Ông Trump cũng cho biết ông sẽ tìm cách áp đặt trở lại lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran, sau khi Hội đồng Bảo an LHQ bác bỏ việc Washington cố kéo dài lệnh cấm vận vũ khí đối với quốc gia Hồi giáo này. Ông Trump nhấn mạnh sẽ khôi phục lại lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran và tuyên bố Mỹ sẽ đưa ra các động thái tiếp theo nhằm vào Tehran.

Trước đó, Hội đồng Bảo an LHQ đã bác bỏ dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất về việc kéo dài lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, vốn sẽ hết hạn vào ngày 18-10 tới theo quy định. Tại cuộc bỏ phiếu ngày 14-8, dự thảo nghị quyết của Mỹ chỉ nhận được 2 phiếu ủng hộ, 2 phiếu chống và 11 phiếu trắng. Trung Quốc và Nga bỏ phiếu chống, Cộng hòa Dominica cùng Mỹ ủng hộ, trong khi các thành viên còn lại bỏ phiếu trắng.

Thực tế, JCPOA có hiệu lực từ năm 2015 với thỏa thuận là Teheran hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Tuy nhiên, tháng 5-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Kể từ đó đến nay, quan hệ giữa Mỹ và Iran ngày càng xấu đi và có lúc đi đến đối địch.

Theo đó, Iran từng bước cắt giảm các cam kết trong thỏa thuận JCPOA, trong đó có việc tăng mức làm giàu urani nhằm mục đích phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó Mỹ. Tehran cũng từng tuyên bố sẽ theo đuổi chương trình hạt nhân bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ngược lại, Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran với mong muốn triệt tiêu kinh tế không cho Tehran có đủ điều kiện để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran cứ leo thang theo thời gian bằng những đợt “khẩu chiến” và hành động “ăn miếng trả miếng” quyết liệt với nhiều nguy cơ dẫn đến chiến tranh. Do vậy dù các quốc gia liên quan có cố sức níu kéo nhưng việc phục hồi JCPOA xem ra quá mong manh.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>