Mỹ bàn phương án đối phó Triều Tiên

13/10/2017 | 08:07 GMT+7

Liên tục chỉ trích nhằm vào nhau nên căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên càng leo thang. Chính điều này nên mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa “một loạt lựa chọn” để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Getty Images

Khác với dự đoán và lo ngại của giới quan sát, Triều Tiên không thực hiện thử tên lửa hay vũ khí hạt nhân để kỷ niệm 72 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 10-10 mà buổi lễ diễn ra trong sự bình yên hiếm thấy. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn tiếp tục leo thang và có nguy cơ xảy ra chiến tranh vì những cuộc “khẩu chiến” thiếu kiểm soát.

Theo đó, Tổng thống Donald Trump mới đây đã có cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Joe Dunford để tìm giải pháp đối phó với Bình Nhưỡng. Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders, bà Sanders cho biết cuộc thảo luận tập trung vào một loạt lựa chọn “để đáp lại mọi động thái quá khích từ Triều Tiên” hoặc để ngăn chặn Triều Tiên đe dọa Mỹ và đồng minh bằng vũ khí hạt nhân.

Trong một động thái liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng đã yêu cầu các lực lượng Mỹ sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất, trong đó bao gồm nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột quân sự với Triều Tiên. Đây được xem là một cảnh báo của Mỹ với Triều Tiên về việc Mỹ không loại trừ sử dụng giải pháp quân sự nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Trước đó, trên mạng xã hội Twitter, ông Trump đã tuyên bố “chỉ có duy nhất một giải pháp” mới giải quyết được vấn đề Triều Tiên sau nhiều năm đàm phán bất thành. Mặc dù không nói cụ thể nhưng mọi người đều hiểu giải pháp mà ông Trump muốn nói đến chính là giải pháp quân sự, nhất là khi trước đó ông từng cảnh báo Mỹ sẽ “hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên” nếu cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia và các đồng minh trong khu vực.

Động thái trên cũng được hai quốc gia đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản cùng triển khai. Hàn Quốc tuyên bố đã sẵn sàng đối phó với khả năng Triều Tiên thực hiện các hành động quá khích. Không quân Mỹ, Nhật và Hàn Quốc cũng vừa thực hiện cuộc tập trận trên vùng biển Nhật Bản để củng cố kỹ năng chiến đấu. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JSC) Hàn Quốc cho biết, thông qua tập trận lần này, không quân Mỹ và Hàn Quốc cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của các đồng minh trong việc chống lại mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Bên cạnh cuộc tập trận không quân, tàu ngầm hạt nhân USS Michigan trang bị hàng chục tên lửa của Hải quân Mỹ sẽ cập cảng Busan (Hàn Quốc) cuối tuần này, sau đó, tàu sân bay USS Ronald Reagan cũng khởi hành đến Hàn Quốc.

Về phần mình, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ không khuất phục trước sức ép từ Mỹ, khẳng định Triều Tiên sẽ tiếp tục chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của mình. Ông Kim Jong-un cũng lên án những trừng phạt mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 hồi tháng trước. Ông nhấn mạnh, Triều Tiên sẽ đập tan những mối đe dọa hạt nhân, cũng như các trừng phạt của những kẻ thù địch. Mới đây, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho lên tiếng đe dọa, Bình Nhưỡng sẽ trút “mưa hỏa lực” vào Mỹ bằng “lực lượng chiến lược chưa từng có”.

Giới phân tích cho rằng, những động thái làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên gần đây là ngòi nổ chậm của chiến tranh sắp diễn ra ở bán đảo Triều Tiên mặc dù điều này ngoài mong đợi của nhiều người. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ qua hai thời cựu Tổng thống George W.Bush và Barack Obama, ông Robert Gates, nhận định nếu Washington tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên sẽ là “một sai lầm lớn” có thể dẫn đến chiến tranh thế giới thứ 3. Theo ông Gates, chính quyền Kim Jong-un đã tăng cường năng lực hạt nhân và sẽ không từ bỏ nỗ lực này. Chính vì vậy, Mỹ cần theo đuổi biện pháp ngoại giao thay vì đưa ra những lời đe dọa. Ông Gates cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump nên nhờ Trung Quốc để thuyết phục Triều Tiên dừng các vụ thử tên lửa đạn đạo, đồng thời cho phép tiến hành giám sát chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đây là nền tảng để từng bước tiến đến đàm phán hòa bình như đã từng thực hiện với Iran. Giải pháp này được nhiều quốc gia đồng tình và ủng hộ.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>