Mỹ cắt ngân sách dành cho WHO: Hại nhiều hơn lợi

16/04/2020 | 17:40 GMT+7

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cắt ngân sách đóng góp cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với cáo buộc tổ chức này bao che cho Trung Quốc về dịch Covid-19 sẽ để lại nhiều hệ lụy. 

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng: “WHO không thể làm tròn nghĩa vụ cơ bản của mình và tổ chức này phải chịu trách nhiệm. Dịch Covid-19 lẽ ra phải được ngăn chặn từ nguồn khởi phát của nó nếu tổ chức này sớm có phản ứng hợp lý”. Động thái này là bước đi cụ thể hóa của ông Trump đối với WHO. Trước đó, ngày 7-4, Tổng thống Trump cho biết: “Vì lý do nào đó, WHO - tổ chức có được tài trợ phần lớn từ Mỹ nhưng lại đang hướng về Trung Quốc. Chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này”.

Khi được hỏi tại sao lại chọn thời điểm hiện tại để cắt ngân sách dành cho WHO, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ đã có các vấn đề với WHO trong nhiều năm nay và lẽ ra nên làm điều đó từ cách đây rất lâu. Ông Trump cũng cho biết chính quyền của ông sẽ tiến hành một cuộc điều tra “kỹ lưỡng” kéo dài từ 60-90 ngày. Theo ông Trump: “Đây là giai đoạn đánh giá nhưng trong thời gian đó, chúng tôi sẽ dừng tất cả các khoản đóng góp cho WHO. Chúng tôi sẽ dành khoản tiền đó và chuyển nó cho những khu vực cần nhất”.

Như vậy, ông Trump đã “bóng gió” cáo buộc WHO bao che cho Trung Quốc khi nhận định về dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc). Hậu quả của sự bao che này đã làm cho đại dịch lây lan toàn cầu gây ra hậu quả nghiêm trọng, với hơn 2 triệu cas mắc và hơn 135.000 người tử vong. Trong đó, nước Mỹ gánh chịu hậu quả nặng nhất với hơn 640.000 người nhiễm bệnh và gần 30.000 người tử vong tính tới ngày 16-4.

Động thái cắt giảm hỗ trợ ngân sách dành cho WHO của Mỹ đã gây ra phản ứng trái chiều. Những người ủng hộ ông Trump đã chỉ ra rằng WHO phạm phải những sai lầm từ ban đầu, khiến cho tình hình dịch bệnh tại nước Mỹ cũng như trên thế giới ngày càng tồi tệ hơn. Ngược lại, những người phản đối quyết định của ông Trump phân tích, hành động cắt giảm ngân sách hỗ trợ WHO sẽ ảnh hưởng xấu đến công tác ngăn ngừa đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, trong đó có Mỹ.

Jeremy Konyndyk, chuyên gia cấp cao thuộc Trung tâm Phát triển Toàn cầu Mỹ, nhấn mạnh: “Nếu chúng ta giáng một cú đấm vào WHO, chúng ta rốt cuộc sẽ tự đấm vào mặt mình... WHO thực sự có vai trò rất quan trọng trong việc dập tắt dịch bệnh. Chúng ta nên khuyến khích họ làm việc đó, hơn là khơi mào các cuộc chiến với họ”.

Còn Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres khẳng định, WHO cùng hàng ngàn nhân viên đang chiến đấu với cuộc khủng hoảng y tế ở tuyến đầu và rất cần sự ủng hộ. Theo ông Guterres, sẽ có rất nhiều cơ hội để nhìn lại nhằm hiểu rõ đầy đủ dịch Covid-19 xuất hiện như thế nào và cách để tất cả các bên liên quan phản ứng ra sao để vượt qua được đại dịch này. Cho nên hiện chưa phải là lúc trừng phạt WHO.

Mỹ là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho WHO kể từ khi tổ chức này thành lập vào năm 1948 cho đến nay. Hiện Mỹ đóng góp cho tổ chức này gần 400 triệu USD/năm, gấp 10 lần so với Trung Quốc. Brett Schaefer, một chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề quốc tế tại Quỹ Di sản cho biết số tiền Mỹ đóng góp cho WHO chiếm khoảng 15,9% toàn bộ ngân sách của tổ chức này.

Hiện vẫn chưa rõ khi nào việc dừng cấp kinh phí cho WHO có hiệu lực và Tổng thống Trump có quyền hạn đến đâu trong vấn đề cần Quốc hội thông qua này. Tuy nhiên, quyết định này sẽ ngay lập tức dẫn đến sự cắt giảm đáng kể nguồn quỹ của WHO tại những quốc gia đang phát triển, vốn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ quốc tế để giải quyết các vấn đề y tế, đang chịu tác động của dịch Covid-19.

Mặt khác, dừng cấp kinh phí cho WHO đồng nghĩa với việc rút các cố vấn y tế khỏi những khu vực cần họ nhất khi vi-rút SARS-CoV-2 lan rộng. Nếu dịch Covid-19 gia tăng ở những khu vực đói nghèo, đại dịch có thể kéo dài lâu hơn. Điều này sẽ tạo nên một cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn và sẽ làm suy yếu khả năng phản ứng toàn cầu trong giai đoạn hiện nay. Hơn lúc nào hết, thế giới cần chung tay đồng lòng đối phó với đại dịch này thay vì tạo thêm bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong cuộc chiến với “kẻ thù vô hình”.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>