Mỹ chính thức rút khỏi UNESCO

02/01/2019 | 07:45 GMT+7

Rút khỏi UNESCO không chỉ vì ngân sách mà còn là toan tính có chủ đích của Mỹ.

Mỹ rút khỏi UNESCO sau những bất đồng thời gian qua. Nguồn: Israel News

Đúng ngày cuối năm 2018, Mỹ chính thức rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) theo điều lệ của tổ chức này. Đây là bước đi tiếp theo để Mỹ chính thức chia tay UNESCO theo một công bố hồi tháng 10 năm 2017.

Theo đó, Washington vẫn bảo lưu tư cách quan sát viên, nhưng sẽ không còn đóng góp và được bầu vào Ủy ban Di sản Thế giới. Còn nhớ, hồi năm 1984, chính quyền Tổng thống Ronald Reagan quyết định rút khỏi tổ chức này, với cáo buộc UNESCO có lập trường phản đối Mỹ và lãng phí. Năm 2003, Mỹ quay trở lại UNESCO. Còn lần này, lý do Mỹ rời bỏ tổ chức UNESCO là vì Washington phản đối tâm lý chống Israel của các nước thành viên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nêu rõ: “Không dễ dàng để đưa ra quyết định này. Điều đó phản ánh khoản đóng góp ngày càng tăng của Mỹ đối với UNESCO, sự cần thiết phải cải cách cơ bản trong nội bộ tổ chức, và lập trường phản đối Israel vẫn được duy trì trong UNESCO”.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền vào đầu năm 2017, Mỹ đã có nhiều quyết định từ bỏ sự hợp tác với các tổ chức quốc tế như rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ), đơn phương rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di trú (GCM), rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) ký hồi năm 2015, Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga, đơn phương rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp ước thân thiện, Quan hệ kinh tế, Quyền lãnh sự với Iran ký vào năm 1955 (TAER)…

Các nhà phân tích cho rằng, những động thái trên đã nối dài thêm danh sách các hiệp ước, thỏa thuận và tổ chức quốc tế mà Mỹ đã rút khỏi, đồng thời tiếp tục đặt ra thách thức nghiêm trọng tới trật tự thế giới vốn đã được định hình từ lâu nay.

Thực chất của việc rút khỏi các tổ chức quốc tế là vì quyền lợi của nước Mỹ nhằm gây sức ép lên những quốc gia liên quan bằng tài chính để họ chấp nhận xuống nước với Washington trong một số yêu sách. Tuy nhiên kết quả hoàn toàn ngược lại, hầu hết những tổ chức Mỹ tuyên bố rút khỏi vẫn hoạt động bình thường, bất chấp không có sự hiện diện của Mỹ. Mặt khác, quyết định của Mỹ đã khiến nhiều nước cũng như tổ chức quốc tế lên tiếng phản đối và lấy làm tiếc, đồng thời kêu gọi Washington cân nhắc lại bước đi trên. Nga gọi quyết định của Mỹ rút khỏi UNESCO là “tin tức đáng buồn”.

Giới quan sát cho rằng, việc Mỹ rút khỏi UNESCO cũng như những tổ chức quốc tế khác vô hình trung đã làm giảm uy tín của nước Mỹ trong vai trò nước lớn trên thế giới. Hay nói một cách khác, vì lợi ích kinh tế nhỏ Washington đã tự hạ thấp mình trên trường quốc tế.

UNESCO (tiếng Anh: United Nations Educational Scientific and Cultural Organization) được thành lập ngày 16 tháng 11 năm 1945 với việc ký kết Công ước thành lập. Ngày 1 tháng 11 năm 1946, Công ước này được chính thức có hiệu lực với 20 quốc gia công nhận, là một trong những tổ chức chuyên môn lớn của LHQ, hoạt động với mục đích “thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa để đảm bảo sự tôn trọng công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam, nữ, ngôn ngữ, tôn giáo” (trích Công ước thành lập UNESCO). UNESCO hiện có 195 quốc gia thành viên và 9 quan sát viên. Trụ sở chính đặt tại Paris, Pháp, với hơn 50 văn phòng và vài viện hay trung tâm trực thuộc đặt khắp nơi trên thế giới. Hầu hết các văn phòng của UNESCO làm việc với 3 nước hoặc nhiều hơn trong cùng khu vực.

Mỗi năm, Mỹ đóng góp khoảng 80 triệu USD cho UNESCO, tương đương 20% ngân sách của tổ chức này.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>