Mỹ có thể nới lỏng “giãn cách xã hội” từ tháng 5

14/04/2020 | 18:12 GMT+7

Tiếp cận chậm, hành động muộn nhưng lại muốn kết thúc nhanh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã và đang đẩy nước Mỹ đến nguy cơ xấu nhất từ dịch bệnh này.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện tại Bronx, New York, Mỹ ngày 11-4-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo đó, Mỹ hiện là quốc gia có số cas nhiễm và tử vong vì dịch Covid-19 cao nhất thế giới, với 50/50 bang đều có dịch bệnh, tổng số cas mắc vượt hơn 577.307 người, trong đó số cas tử vong là hơn 23.219. Tại tâm dịch bang New York, tổng số cas mắc bệnh đã vượt 195.749 người, trong đó có hơn 10.058 cas tử vong (chiếm gần 50% số cas tử vong trên toàn nước Mỹ).

Sở dĩ dịch Covid-19 lây lan nhanh ở Mỹ là do cách tiếp cận của Washington chậm lại mang tính chủ quan. Còn nhớ, hôm 22-11 khi trả lời phỏng vấn của CNBC tại Davos, Thụy Sĩ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ mối đe dọa của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (SARS-CoV-2) gây ra. Bởi lẽ, khi ấy Mỹ mới chỉ ghi nhận một cas mắc Covid-19 ở bang Washington. ông Trump khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn kiểm soát được. Cas mắc là một trong những người đến từ Trung Quốc và chúng tôi kiểm soát được. Sẽ rất ổn”.

Tuy nhiên, chỉ 11 tuần lễ sau đó, đại dịch Covid-19 đã len lỏi đến khắp mọi nơi của nước Mỹ và trên thế giới. Dịch bệnh cũng đã viết lại các quy tắc của xã hội, khiến hàng triệu người bị cô lập trong nhà, trường học bị đóng cửa, tàn phá nền kinh tế và khiến hàng triệu lao động mất việc làm.

Đến tháng 2-2020, Tổng thống Trump lần đầu tiên có những động thái liên quan để chuẩn bị cho cả nước đối phó với đại dịch sắp ập tới. Tuy nhiên, mãi đến ngày 20-3, ông Trump mới thông qua tuyên bố thảm họa đầu tiên vì dịch Covid-19 tại New York. Hai ngày sau đó, Washington và California trở thành những “điểm nóng” của dịch bệnh. Gần đây nhất, ngày 11-4 khi đại dịch Covid-19 đã hoành hành khắp nước Mỹ thì ông Trump mới tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở tất cả các bang và hầu hết các vùng lãnh thổ thông qua Cơ quan Quản lý Tình trạng khẩn cấp Liên bang (FEMA). Tuyên bố thảm họa cuối cùng diễn ra cùng ngày Mỹ chính thức vượt Italia về số cas tử vong và trở thành quốc gia có số cas mắc cũng như số cas tử vong vì Covid-19 nhiều nhất thế giới.

Đáng quan ngại là ngay từ khi dịch bệnh diễn ra ông Trump đã nhận định sai lầm khi tuyên bố: “Theo lý thuyết, vào tháng 4, khi trời ấm hơn một chút, dịch Covid-19 sẽ biến mất một cách kỳ diệu”. Nhận định này lại được đông đảo người dân Mỹ tán thành dù nó chưa có cơ sở chứng minh. Từ đó, họ có thái độ xem thường dịch bệnh nên không chủ động ngăn chặn và hệ lụy là nước Mỹ phải gánh hậu quả nặng nề nhất thế giới như hiện nay.

Mới đây, trong khi dịch Covid-19 đang lây lan nhanh với tốc độ khủng khiếp và chưa có dấu hiệu dừng lại thì Nhà Trắng lại tính đến chuyện nới lỏng “giãn cách xã hội”. Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng (NIAID), chuyên gia hàng đầu của Chính phủ Mỹ về dịch bệnh cho rằng Mỹ có thể bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp ngăn chặn Covid-19 vào tháng 5 tới. Ông Fauci cho rằng các khu vực của Mỹ có thể bắt đầu nới lỏng hạn chế từ tháng 5 song cần phải thận trọng. Theo đó, các khu vực có thể sẵn sàng vào các thời điểm khác nhau thay vì cả nước Mỹ cùng nới lỏng giống như “bật một công tắc đèn”.

Không như nhiều nước châu Âu, tại Mỹ, quyết định phong tỏa từng bang chủ yếu phụ thuộc vào chính quyền địa phương mà không phải tổng thống nên việc nới các biện pháp “giãn cách xã hội” sẽ khác nhau. Điều này sẽ là nguy cơ dẫn đến dịch bệnh tiếp tục lây lan ở nước Mỹ.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết bang này muốn mở cửa trở lại sớm nhất có thể, nhưng cần phải thực hiện việc này một cách thông minh. Còn Thống đốc bang láng giềng New Jersey Phil Murphy nhấn mạnh “Sự phục hồi kinh tế phụ thuộc vào sự phục hồi hoàn toàn của dịch vụ chăm sóc sức khỏe”.

Trong khi đó, các chuyên gia y tế Mỹ khuyến nghị cần tăng cường xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 trong bối cảnh Nhà Trắng cân nhắc thời điểm và cách thức dỡ bỏ phong tỏa cũng như yêu cầu người dân ở nhà.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó mong muốn nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ hoạt động trở lại vào dịp lễ Phục sinh, nhưng hầu hết các khu vực trên cả nước vẫn duy trì lệnh phong tỏa và các nhà thờ tiến hành nghi lễ theo hình thức trực tuyến nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Từ những diễn biến trên cho thấy, Mỹ muốn nới lỏng các biện pháp “giãn cách xã hội” nhằm sớm phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, đây sẽ là con dao hai lưỡi với mức độ nguy hiểm cao. Nếu dịch Covid-19 chưa được dập tắt hoàn toàn thì thiệt hại sẽ càng lớn hơn so với kinh tế suy giảm.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>