Mỹ - Hàn hoãn tập quân sự, Triều Tiên phản ứng thế nào ?

18/11/2019 | 18:01 GMT+7

Mỹ và Hàn Quốc đã thông báo hoãn các cuộc diễn tập quân sự sắp tới. Bước đi này là một dấu hiệu tích cực, mở đường cho các cuộc đối thoại hạt nhân đang bị đình trệ giữa Mỹ và Triều Tiên.

Máy bay Mỹ - Hàn trong một cuộc tập trận chung năm 2017. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc

Thông báo hoãn tập trận được Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo và người đồng cấp Mỹ Mark Esper đưa ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mở rộng lần thứ 6 (ADMM+) ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, hôm 17-11.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper khẳng định, Mỹ và Hàn Quốc vẫn linh hoạt trong việc đưa ra cách thức hỗ trợ nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên, do vậy hai nước không đóng bất kỳ cánh cửa nào vốn tạo điều kiện cho sự tiến triển trên mặt trận ngoại giao.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cho hay, quân đội Mỹ và Hàn Quốc sẽ vẫn ở trạng thái sẵn sàng cao bất chấp động thái này, và phủ nhận rằng quyết định hoãn cuộc tập trận là một sự nhượng bộ mà là một nỗ lực thiện chí... để tạo hòa bình.

Trước đó, Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị cho “Sự kiện huấn luyện không quân hiệp đồng” (Combined Flying Training Event - CFTE) diễn ra tại Hàn Quốc trong vài ngày tới. Không quân hai nước dự kiến thực hiện nhiều kịch bản tác chiến đường không và tiến công mặt đất trong CFTE.

Đầu tháng này, một nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên đổ lỗi cho cuộc tập trận chung trên không giữa Mỹ và Hàn Quốc là dội “gáo nước lạnh” vào các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng. Triều Tiên liên tục đưa ra những lời chỉ trích, phản đối các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, coi những cuộc tập trận này là động thái diễn tập cho cuộc xâm lược.

Triều Tiên cũng cảnh báo rằng không còn cảm thấy bị ràng buộc bởi các cam kết, khiến giới chuyên gia lo ngại nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể đón mừng năm mới 2020 với các màn bắn tên lửa đạn đạo tầm xa hoặc hạt nhân. Một số nguồn tin Mỹ cũng cho biết đã xuất hiện các hoạt động trở lại tại khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon.

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Triều Tiên Kim Myong-gil trước đó cho biết Mỹ đã đề xuất một cuộc gặp cấp chuyên viên vào tháng 12 tới. Còn trước động thái mới nhất của Mỹ và Hàn Quốc, Triều Tiên khẳng định các cuộc đối thoại hạt nhân sẽ không được nối lại nếu Mỹ không rút lại các chính sách thù địch với Triều Tiên. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này cho rằng, việc Liên Hiệp Quốc gần đây thông qua một nghị quyết về tình trạng vi phạm nhân quyền của Bình Nhưỡng là một “sự khiêu khích chính trị” do Mỹ cầm đầu. Vì vậy, Triều Tiên sẽ không thảo luận về các vấn đề hạt nhân với Mỹ trừ khi Mỹ xem xét rút lại các chính sách thù địch.

Trong khi đó, Nhật Bản cho rằng không nên lạc quan quá sớm vào các cuộc đối thoại với Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kano cho biết: “Không ai có thể lạc quan về Triều Tiên. Rất quan trọng để các bên chia sẻ quan điểm và thảo luận sự hợp tác tương lai. Triều Tiên đã liên tục phóng hơn 20 tên lửa trong năm nay, bao gồm các loại tên lửa mới cũng như tên lửa phóng từ tàu ngầm. Hành động này rõ ràng vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và chúng tôi thấy rất đáng tiếc. Các vụ phóng của Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định của khu vực và Nhật Bản”.

Dù vậy có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ và Hàn Quốc nên nắm bắt cơ hội hiện nay để thúc đẩy tiến trình đàm phán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nếu hạn chót trong tháng 12 tới đây qua đi và Triều Tiên tiếp tục nối lại các chương trình tên lửa của mình, sẽ là điều bất lợi cho hai nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc, trong bối cảnh hai quốc gia này đều đang chuẩn bị cho các cuộc bầu cử quan trọng vào năm 2020.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>