Mỹ - Iran leo thang căng thẳng

13/04/2018 | 09:02 GMT+7

Bất đồng giữa Mỹ và Iran về thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và Nhóm P5+1 vẫn chưa ngã ngũ. Điều này làm cho nhiều quốc gia liên quan lo ngại Iran sẽ quay lại chương trình hạt nhân như trước đây.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại cuộc họp ở Hyderabad ngày 15-2. Nguồn: AFP/TTXVN

Thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp cùng Đức), có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo đó, Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế. Tuy nhiên, sau khi lên nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có ý định muốn rút khỏi JCPOA. Năm 2017, ông Trump tuyên bố không công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận kể trên. Tới tháng 1-2018, ông Trump ra thời hạn 120 ngày ( tức trước ngày 12-5) để các nghị sĩ Mỹ và các đồng minh châu Âu tìm cách “sửa đổi” nội dung nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận. Tổng thống Trump lo ngại rằng một phần của JCPOA sẽ hết hiệu lực vào năm 2026 mà không thể giải quyết chương trình tên lửa của Iran, cũng như việc Tehran gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Nếu Mỹ rút khỏi, thỏa thuận sẽ sụp đổ khi Tehran cũng từ chối đàm phán lại theo yêu cầu của Washington.

Trong chương trình “Face the Nation” của kênh truyền hình CBS, Thượng nghị sĩ Corker nêu rõ thỏa thuận hạt nhân của Iran sẽ là một vấn đề được nêu ra vào tháng 5, và “hiện tại thì không có vẻ gì là thỏa thuận sẽ được gia hạn”. Khi được hỏi liệu ông có tin rằng Tổng thống Trump sẽ rút khỏi thỏa thuận trên vào ngày 12-5 hay không, ông Corker trả lời: “Tôi tin là như vậy”.

Đi cùng với tuyên bố trên, trước đó Mỹ cũng đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 10 cá nhân và 1 công ty của Iran liên quan đến các vụ tấn công mạng nhằm vào hàng trăm trường đại học của Mỹ và nhiều nước khác, cùng hàng chục công ty và cơ quan của Chính phủ Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc các tin tặc Iran đã đánh cắp hơn 31 terabyte dữ liệu học thuật và tài sản trí tuệ của 144 trường đại học Mỹ, 176 trường đại học ở 21 nước trong các vụ tấn công mạng từ năm 2013. Bộ Tài chính Mỹ cho biết bộ này quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân Iran và Viện Mabna - công ty mà các công tố viên Mỹ cho là thực hiện các vụ đánh cắp nhân dạng cá nhân và thông tin kinh tế có lợi cho Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran. Theo bộ này, Mabna đứng đằng sau các vụ tấn công nhằm vào hệ thống máy tính của hàng trăm trường đại học nói trên.

Về phần mình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghassemi tuyên bố các cáo buộc trên là “giả”, đồng thời cho rằng các hành động của Mỹ mang tính “gây hấn, bất hợp pháp và phi lý”. Ông Ghassemi khẳng định hành động của Washington sẽ không thể cản trở sự phát triển khoa học của người dân Iran.

Mới đây, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, ông Ali Shamkhani tuyên bố Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ thay đổi nào đối với thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với các cường quốc thế giới. Ông Shamkhani khẳng định rằng chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, vốn mang bản chất phòng thủ, sẽ tiếp tục được triển khai “một cách kiên định”.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải hối tiếc nếu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Tehran và 6 cường quốc thế giới ký năm 2015, đồng thời đe dọa Tehran sẽ đáp trả mạnh hơn so với tưởng tượng “trong vòng chưa đầy một tuần” nếu điều đó xảy ra. Phát biểu tại hội nghị nhân Ngày công nghệ Hạt nhân Quốc gia tại Tehran, ông Rouhani nói: “Chúng tôi sẽ không là nước đầu tiên vi phạm thỏa thuận này, nhưng nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận này thì họ chắc chắn sẽ hối tiếc”.

Leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang nóng lên từng ngày khi thời gian gia hạn rút khỏi JCPOA của Tổng thống Mỹ đang đếm ngược. Trong khi đó, theo nhận định việc sửa đổi thỏa thuận JCPOA khó có khả năng thực thi khi cả Iran và các quốc gia tham gia ký kết khác ngoài Mỹ vẫn chưa có động thái nào mong muốn sửa đổi. Điều này càng làm cho nguy cơ phía Mỹ phá vỡ thỏa thuận JCPOA và đẩy Iran trở lại con đường phát triển hạt nhân như trước đây.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>