Mỹ lại lăm le tấn công Iran

02/10/2019 | 17:53 GMT+7

Theo các tài liệu rò rỉ, Mỹ đang có kế hoạch tấn công chớp nhoáng Iran gây ra cú “sốc và kinh hoàng”.

Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang đang gây lo ngại Tổng thống Donald Trump có thể ra lệnh tấn công nước Cộng hòa Hồi giáo.

Theo đó, “Kế hoạch chiến tranh” của Mỹ có mật danh Theatre Iran Near Term (TIRANNT), được cho là tài liệu chi tiết về một cú tấn công dọn đường nghiền nát căn cứ quyền lực của Iran trong vòng 24 giờ.

Thực tế, một cuộc chiến với Iran đã được Washington vạch ra từ hơn chục năm qua. Kế hoạch này được cựu chuyên gia phân tích tình báo Mỹ William Arkin tiết lộ vào năm 2007. Tuy nhiên, sau đó kế hoạch này đã bị lãng quên và chỉ gần đây xuất hiện trở lại làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột có nguy cơ bùng nổ sau khi hai cơ sở dầu then chốt của Saudi Arabia bị tên lửa và máy bay không người lái tấn công mà Mỹ tố Iran là thủ phạm.

Sau khi nghiên cứu tài liệu về cách thức tấn công của Mỹ nhằm vào Iran, tiến sĩ Dan Plesch và Martin Butcher nhận định: “Washington đã có nhiều sự chuẩn bị về quân sự để tiêu trừ các vũ khí hủy diệt hàng loạt, năng lượng hạt nhân, chế độ, các lực lượng vũ trang, bộ máy nhà nước và cơ sở hạ tầng kinh tế... của Iran chỉ trong vài ngày, nếu không muốn nói là vài giờ. Bất kỳ cuộc tấn công nào cũng có khả năng ở quy mô lớn trên nhiều mặt trận, nhưng tránh xâm lược trên mặt đất”.

Theo TIRANNT, các tên lửa hành trình sẽ được phóng từ chiến hạm ở vùng Vịnh, còn bom được thả từ B52 và B2 xuống. Hơn 10.000 mục tiêu sẽ bị cày xới. Các máy bay có thể xuất kích từ Diego Garcia, vùng lãnh thổ thuộc Anh ở Ấn Độ Dương, Saudi Arabia và Anh. Hiện Mỹ chỉ có một hàng không mẫu hạm là USS Abraham Lincoln được triển khai tới vùng Vịnh.

TIRANNT vạch ra kế hoạch nêu bật cách thức 6 nhóm tác chiến tàu sân bay có thể được triển khai ngoài khơi Iran chỉ sau một tháng thông báo. Cường độ tập kích sẽ phản ánh các chiến thuật “sốc và kinh hãi” như từng áp dụng với Iraq năm 2003. Cách thức tấn công này đã làm cho các hệ thống phòng thủ của Iraq sụp đổ trước khi diễn ra cuộc xâm lược lật đổ Saddam Hussein khỏi ghế quyền lực. Kế hoạch chiến tranh cũng có sự tham gia của các lực lượng NATO và Israel.

Trong một diễn biến liên quan, Lực lượng Không quân Mỹ tạm thời chuyển trung tâm chỉ huy Trung Đông từ Qatar về Nam Carolina trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang. Đây là hoạt động không được thông báo trước và là lần đầu tiên trong vòng 13 năm, trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Mỹ bị di dời khỏi khu vực này. Động thái này càng làm gia tăng nghi ngờ Mỹ sẽ tấn công Iran trong tương lai gần.

Về phía Iran, Tehran đã có những hành động đáp trả quyết liệt. Phó Tổng thống thứ nhất của Iran Es’haq Jahangiri khẳng định: “Những người Mỹ đã học được rằng chiến dịch sức ép tối đa không khả thi với Iran”. Theo ông Es’haq Jahangiri, nhờ sự đoàn kết và thống nhất trong nhân dân Iran, Tehran sẽ vượt qua mọi thử thách gay go do “các lệnh trừng phạt áp bức” của Mỹ gây ra.

Mới đây, ông Amir Ali Hajizadeh, Chỉ huy Các lực lượng hàng không vũ trụ thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết, nước này đã tạo ra một mạng lưới kho vũ khí ngầm tinh vi. Ông Hajizadeh nhấn mạnh, kho vũ khí này là một phần của kế hoạch bảo vệ các năng lực tên lửa của Iran trước nhiều kẻ thù. Ngoài ra, ông còn nêu rõ, Iran là một trong vài nước có bí quyết thiết kế và sản xuất các tên lửa có độ chính xác cao. Đồng thời hiện là nước trang bị tên lửa hàng đầu trong khu vực và nằm trong số 7 hay 8 nước hàng đầu (trong ngành tên lửa) trên thế giới. Tất cả những hành động trên của Iran đều tập trung đối phó Mỹ.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên căng thẳng kể tháng 5-2018 khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt, với mục đích gây sức ép, buộc Tehran từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân. Hiện các quốc gia còn lại trong JCPOA đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp để duy trì thỏa thuận hạt nhân này. Tuy nhiên, khó đạt được kết quả như mong muốn bởi Wasington và Tehran còn quá nhiều bất đồng.

“Già néo đứt dây” nếu cả Mỹ và Iran đều không có thiện chí hạ nhiệt căng thẳng thì chắc chắn một cuộc chiến không khoan nhượng ngoài mong muốn sẽ diễn ra giữa hai quốc gia này.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>