Mỹ - Nga ngầm chạy đua vũ trang ?

15/10/2019 | 17:08 GMT+7

Mặc dù chưa công khai nhưng nhiều quốc gia trên thế giới lại âm thầm chạy đua phát triển vũ khí chiến tranh hiện đại, đặc biệt là các quốc gia có nhiều tiềm lực quân sự.

Một vụ thử tên lửa của Mỹ ở bang Alaska. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn với các kênh truyền hình RT tiếng Arab, Al Arabiya và Sky News Arabia, Tổng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ hy vọng sẽ không có Chiến tranh Lạnh mới, đồng thời kêu gọi Mỹ gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới). Matxcơva và Washington đã ký hiệp ước trên vào năm 2010 và quy định  được gia hạn tối đa 5 năm với sự nhất trí của 2 nước. Như vậy, theo thỏa thuận, hiệp ước này sẽ hết hạn vào năm 2021. Hiệp ước này đóng vai trò tiếp tục cắt giảm và hạn chế toàn bộ phạm vi vũ khí tấn công chiến lược, bao gồm các bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa trên đất liền, trên biển và trên không.

Ông Putin nhấn mạnh: “Hiệp ước START mới thực sự là hiệp ước duy nhất có thể ngăn chặn không rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang toàn diện. Để đảm bảo START được gia hạn, chúng tôi cần phải thảo luận về nó ngay bây giờ”. Tổng thống Putin cho biết, Nga đã đưa ra cho chính quyền Mỹ các đề xuất của mình, song chưa nhận được câu trả lời. Ông bày tỏ lo ngại Washington có thể chưa quyết định liệu họ có cần gia hạn hiệp ước hay không và đó không phải là dấu hiệu tích cực cho tương lai của hiệp ước. Tổng thống Putin cũng đã cảnh báo, việc từ chối gia hạn Hiệp ước START mới của Mỹ sẽ mang lại nhiều hiểm họa và bất ổn hơn cho an ninh thế giới.

Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng lưu ý rằng, ở mức độ nào đó, đang có một cuộc chạy đua vũ trang và nó sẽ không tốt cho thế giới. Tuy nhiên, Nga sẽ không để bị ảnh hưởng nhiều từ cuộc chạy đua đó, đặc biệt là những ảnh hưởng liên quan đến tài chính của Nga.

Thực tế, nếu tình huống xấu nhất xảy ra Chiến tranh Lạnh mới, ông Putin cho rằng, Nga sẽ là nước ít bị ảnh hưởng nhất. Bởi lẽ, Nga đã sở hữu những vũ khí tối tân và hoàn toàn độc quyền. Đồng thời, Matxcơva cũng cho rằng mức độ chi tiêu quân sự của nước này thấp hơn nhiều so với Mỹ và một số quốc gia khác.

Cùng quan điểm trên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trước đó cho rằng nguy cơ về một cuộc chiến tranh hạt nhân trong thời kỳ đương đại là hiện hữu. Nguyên nhân là do một số nước phương Tây và Mỹ tránh thảo luận về các vấn đề cấp bách, cản trở các kênh đối thoại, tiếp tục hủy hoại cấu trúc kiểm soát vũ khí, cố tình vạch ra đường lối phá hủy để loại bỏ các cơ chế hiệp ước hiệu quả trong lĩnh vực an ninh vốn đã tồn tại qua nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, Matxcơva vẫn tin vào sự sẵn sàng của Washington trong việc nối lại các cuộc đàm phán chính thức về đảm bảo sự ổn định chiến lược và an ninh toàn cầu.

Trong một động thái liên quan, các chuyên gia Nga cho biết, hiện tên lửa tầm trung loại Pershing II của Mỹ được thiết kế để tấn công các trung tâm điều khiển của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga có tầm bắn khoảng 3.000km và độ chính xác là 10-30m. Ông Konstantin Sivkov, thành viên Viện nghiên cứu Khoa học Tên lửa và Pháo binh của Nga cho biết: “Vũ khí của lực lượng đối kháng tiềm tàng của Mỹ được thiết kế để tấn công các trung tâm điều khiển của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga nhằm tước đi cơ hội của Nga trong việc trả đũa một vụ tấn công hạt nhân của Mỹ”.

Trước đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng Nga đang triển khai tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tại châu Âu, trong bối cảnh Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) đã đổ vỡ hồi đầu năm nay. Mặc dù Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố nước này không thử nghiệm và cũng không sở hữu tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Những diễn biến gần đây cho thấy, Mỹ và Nga đều ngấm ngầm chạy đua vũ trang bằng việc phát triển vũ khí hiện đại kể cả vũ khí hạt nhân. Đây thật sự là một tín hiệu xấu đối với nhân loại yêu chuộng hòa bình.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>