Mỹ rút quân nhưng Afghanistan vẫn chưa yên

12/03/2020 | 08:09 GMT+7

Mặc dù Mỹ đã bắt đầu rút quân nhưng thỏa thuận Mỹ - Taliban được nhận định là quá mong manh.

Binh sĩ Mỹ tuần tra tại căn cứ thuộc tỉnh Logar, Afghanistan. Ảnh: REUTERS

Theo đó, hàng trăm binh sĩ Mỹ đang được rút khỏi Afghanistan theo kế hoạch giảm số quân của Mỹ tại đây từ 13.000 xuống 8.600 trong vòng 135 ngày kể từ khi ký kết thỏa thuận giữa Mỹ với Taliban hồi cuối tháng 2-2020.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết việc bắt đầu rút quân đội Mỹ về nước sẽ được điều phối bởi các chỉ huy quân sự ở Afghanistan. Quá trình rút toàn bộ quân của Mỹ sẽ được tiến hành trong vòng 14 tháng nếu điều kiện an ninh được bảo đảm. Như vậy, với diễn biến tích cực này, cuộc chiến dai dẳng kéo dài gần 2 thập kỷ qua của Mỹ tại Afghanistan đã đi vào hồi kết.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã thảo luận với các nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tham khảo ý kiến đồng minh về việc rút quân ra khỏi Afghanistan trong tương lai. NATO hiện có khoảng 60.000 quân tại Afghanistan và cũng sẽ rút khỏi nước này theo thỏa thuận.

Thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban bao gồm 4 vấn đề chính là: Taliban có trách nhiệm đảm bảo sẽ không để cho các nhóm khủng bố và thánh chiến như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng khủng bố Al Qadae sử dụng Afghanistan làm nơi ẩn náu để tiến hành các vụ tấn công; các lực lượng Mỹ và NATO rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan; các bên tại Afghanistan phải đối thoại trực tiếp và một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn phải đạt được giữa các bên.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hoan nghênh thỏa thuận Mỹ - Taliban và việc Mỹ đã thực hiện rút quân, đồng thời cho rằng, đây là bước quan trọng tiến tới giải pháp chính trị lâu dài ở Afghanistan.

Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến trái chiều về thỏa thuận này. Nhiều người hy vọng thỏa thuận sẽ là sự khởi đầu cho việc chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tại Afghanistan, giúp Mỹ và đồng minh rút chân ra khỏi vũng lầy chiến tranh. Một số ý kiến khác thì tỏ ra bi quan hơn, họ không tin tưởng vào những gì Taliban cam kết, họ lo sợ Taliban vào mùa xuân tới sẽ lại tiếp tục các cuộc tấn công nhằm lật đổ Chính phủ Afghanistan, thay vì cam kết đối thoại.

Thực tế, những lo lắng này hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, hiện tại Afghanistan có 2 ứng cử viên Tổng thống cùng tuyên thệ nhậm chức. Điều này đồng nghĩa với việc quốc gia này đang tồn tại 2 chính phủ chưa kể phe đối lập Taliban. Đây có lẽ sẽ là tác nhân khởi đầu cho cuộc khủng hoảng nội bộ tranh giành quyền lực tại quốc gia Tây Nam Á này, bất chấp việc Mỹ đã rút quân ra khỏi “vũng lầy chiến tranh” Afghanistan.

Minh chứng cho nỗi lo này là ngay tại lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai của Tổng thống Ashraf Ghani có 2 quả tên lửa đã rơi gần Dinh Tổng thống trước sự chứng kiến của người dân Afghanistan và các quan khách nước ngoài - trong đó có Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Afghanistan Zalmay Khalilzad và chỉ huy NATO tại nước này, Tướng Scott Miller.

Phát biểu tại buổi lễ nhậm chức, Tổng thống Ghani đã yêu cầu lực lượng đối lập trong Quốc hội cùng tham gia vào việc thành lập chính phủ, cùng tìm kiếm 1 giải pháp đối thoại hòa bình với phiến quân Taliban trong tương lai: “Trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo hòa bình, chấm dứt 40 năm chiến tranh. Tôi yêu cầu từ các đối thủ chính trị của tôi đến đây và cùng nhau, kề vai sát cánh, phục vụ quốc gia này”.

Bất chấp những lời kêu gọi đó, đối thủ chính của ông Ghani trong cuộc bầu cử vừa qua, ông Abdullah Abdullah - quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan, đã không công nhận lễ nhậm chức này của đương kim Tổng thống. Cùng với đó, ông Abdullah cũng đã tiến hành một lễ nhậm chức khác vào cùng thời điểm.

Giới phân tích nhận định, việc có 2 ứng cử viên nhậm chức Tổng thống Afghanistan sẽ gây trở ngại lớn của bước đi tiếp theo trong tiến trình đàm phán trực tiếp giữa Taliban với Chính phủ Afghanistan. Bởi lẽ, câu hỏi đặt ra ở đây là Taliban sẽ đàm phán với chính phủ nào, và kết quả đàm phán giữa 2 bên liệu có được bên thứ ba chấp thuận?

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>