Mỹ sẵn sàng nối lại đàm phán với Triều Tiên ?

26/06/2019 | 07:41 GMT+7

Cả Mỹ và Triều Tiên gần đây đã có những động thái xích lại gần nhau hứa hẹn Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 3 sẽ diễn ra trong tương lai gần. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nguồn: THX/TTXVN

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư riêng cho Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và được ông Kim đánh giá rất cao. Theo KCNA, sau khi đọc bức thư của ông Trump, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bày tỏ sự hài lòng khi nói rằng bức thư có “nội dung tuyệt vời”.

Mặc dù chưa công bố nội dung bức thư nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết sẽ cân nhắc tới “quyết định chính trị” và “lòng can đảm” của nhà lãnh đạo Mỹ. Giới phân tích cho rằng “quyết định chính trị” mà nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn đề cập đến chính là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 3 được hai nước rất quan tâm.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thông báo ông đã nhận được một bức thư có nội dung “tốt đẹp và nồng ấm” từ nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tuy không tiết lộ nội dung, song ông Trump bày tỏ tin tưởng vào mối quan hệ tốt đẹp với ông Kim Jong-un và đánh giá tích cực việc trao đổi thư từ giữa hai bên.

Trong một động thái liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, ông hy vọng bức thư của Tổng thống Donald Trump gửi cho Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ giúp nối lại đàm phán nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ông Pompeo cũng khẳng định, Mỹ sẵn sàng nối lại đàm phán với Triều Tiên ngay lập tức. Còn Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton cho biết, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3 có thể xảy ra hay không hoàn toàn phụ thuộc vào phía Triều Tiên.

Kể từ khi đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên giữa Mỹ và Triều Tiên tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội (Việt Nam) không đạt được thỏa thuận nào, quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng có phần căng thẳng.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia hạn các biện pháp trừng phạt Triều Tiên thêm một năm, viện dẫn mối đe dọa “bất thường và đặc biệt” từ các vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong thông báo gửi tới Quốc hội Mỹ, ông Trump cho biết sẽ tiếp tục “tình trạng khẩn cấp quốc gia” liên quan tới vấn đề Triều Tiên vốn đã từng được tuyên bố trong sắc lệnh 13466 ban hành hồi tháng 6-2008. Sắc lệnh này kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của quốc gia này.

Mặt khác, ông Trump cũng cho phép tiến hành tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản làm cho Triều Tiên cực lực lên án. Nhìn vào quá trình phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên dễ thấy rằng Mỹ đã trải qua tất cả 5 giai đoạn: từ chối, giận dữ, mặc cả, thất vọng và từ chối thêm một lần nữa. Chưa biết thời gian tới sẽ còn phản ứng nào của Mỹ. Tuy nhiên, đại diện đặc biệt của Mỹ về các vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hoon đã vừa tái khẳng định sẵn sàng nối lại đàm phán với Triều Tiên về phi hạt nhân hóa.

Về phần mình, Triều Tiên gần đây khẳng định đang mất dần kiên nhẫn và hối thúc Mỹ cần đưa ra đề xuất “trước khi quá muộn”. Trong một tuyên bố đưa ra hôm 11-6, truyền thông Triều Tiên cũng kêu gọi Mỹ dừng ngay các chính sách thù địch với nước này, nếu không thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh cách đây 1 năm sẽ không có ý nghĩa.

Trước đó, Triều Tiên cũng đã tuyên bố sẽ nối lại việc làm giàu urani (nguyên liệu chính để sản xuất vũ khí hạt nhân). Đồng thời, Bình Nhưỡng cũng đã vài lần thử bắn tên lửa tầm ngắn nhằm cảnh báo Mỹ và các đồng minh. Hiện tại, Triều Tiên đang đẩy mạnh ngoại giao với Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga… để tranh thủ sự ủng hộ đối với quốc gia này.

Việc Mỹ cũng như Triều Tiên tuyên bố sẽ xúc tiến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 3 trong tương lai gần cũng dấy lên nghi ngờ trong giới phân tích. Bởi lẽ, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều có cách nghĩ và hành động rất khó đoán định.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>