Mỹ tái hiện diện tại Đông Nam Á

17/02/2017 | 08:22 GMT+7

Liên tục bất đồng với những tuyên bố trái khoáy của Tổng thống Philippines Duterte, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chuyển sang các quốc gia lân cận khác để duy trì sự hiện diện ở Đông Nam Á. Cuộc tập trận giữa Mỹ với Thái Lan là minh chứng đầu tiên cho giả thuyết này.

Tàu đổ bộ USS Green Bay lớp San Antonio của Mỹ tới Thái Lan tham gia cuộc tập trận. Nguồn: NAVAL TODAY

Theo đó, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry B.Harris cùng các quan chức Thái Lan vừa đồng chủ trì khai mạc cuộc tập trận chung Mỹ - Thái Lan mang tên Hổ mang Vàng lần thứ 36 năm 2017 (Cobra Gold 2017) tại Căn cứ không quân Uta-pao. Cuộc tập trận này sẽ kéo dài 10 ngày, từ ngày 14 đến ngày 24-2 với sự tham gia của 29 quốc gia. 

Cobra Gold là cuộc tập trận đa phương thường niên lớn nhất châu Á, có lịch sử 36 năm, khởi nguồn từ cuộc tập trận song phương giữa Mỹ và Thái Lan. Năm nay, cuộc tập trận được coi là cuộc diễn tập quân sự lớn đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Số quan chức quân sự từ Mỹ và Thái Lan tham gia hơn 10.000 người, tăng gấp đôi so với 2 cuộc tập trận trước đó vào các năm 2015 và 2016. Các quân nhân tham gia tập trận lần này là các lực lượng Lục quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ. Cuộc diễn tập năm nay sẽ gồm 3 phần chính là diễn tập tham mưu, trong đó có hội thảo chỉ huy cấp cao; diễn tập thực địa bao gồm những hoạt động nhằm tăng cường quan hệ khu vực và nâng cao khả năng phối hợp; các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với thảm họa tại Thái Lan. Lợi ích lâu dài của các cuộc diễn tập đa phương lớn như vậy vẫn là khả năng tương tác giữa các đồng minh. Đây là thời điểm vô cùng quan trọng đối với Mỹ, cụ thể là ông Trump trong việc quan tâm hơn đến các đồng minh trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan.

Thực tế, trong 6 năm qua, Mỹ đã tập trung vào an ninh của Philippines và các tranh chấp ở Biển Đông. Hợp tác quốc phòng tổng thể Philippines - Mỹ đã được tăng cường rất nhiều. Tuy nhiên, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có ý định thay đổi chính sách của người tiền nhiệm đối với Mỹ, dù vẫn chưa rõ đó có phải là điều ông Duterte thực sự nghĩ tới hay không. Trước đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhiều lần lên tiếng kêu gọi các lực lượng đặc nhiệm Mỹ, hiện đang thực hiện nhiệm vụ cố vấn cho quân đội và cảnh sát Philippines, rút khỏi miền Nam nước này. Ông Duterte nhấn mạnh, lực lượng Mỹ nên rời khỏi thành phố Mindanao, miền Nam Philippines, bởi họ có thể là mục tiêu của các nhóm vũ trang chuyên bắt cóc đòi tiền chuộc. Tuy nhiên, trong chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Manila, ông Duterte đã cam kết tiếp tục hợp tác với Mỹ với tư cách một đồng minh.

Giới phân tích Thái Lan nhìn nhận sự kiện Cobra Gold 2017 là bước đi đầu tiên của chính quyền Donal Trump tại Đông Nam Á nhằm gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế rằng Mỹ vẫn duy trì sự can dự chiến lược trong khu vực như trước, đặc biệt là với Thái Lan - đồng minh suốt gần 200 năm của Washington.

Thực tế, trong 2 tháng kể từ khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Trump và nhóm chính sách đối ngoại của ông đã đưa ra những phát ngôn trái ngược về chính sách của Mỹ ở châu Á trong tương lai và gây ra rất nhiều lo ngại đối với các nhà lãnh đạo trong khu vực. Mặc dù vẫn chưa rõ cách tiếp cận mà ông Trump sẽ lựa chọn, nhưng các quan chức quốc phòng Thái Lan tin rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ thực hiện chính sách theo hướng “so bó đũa, chọn cột cờ” trong chính sách an ninh tại khu vực Đông Nam Á.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>