Mỹ tiếp tục đánh vào kinh tế Triều Tiên

27/10/2017 | 07:41 GMT+7

Dù chưa phát động chiến tranh nhưng cuộc chiến ngầm của Mỹ đã và đang hoành hành Triều Tiên. Đó là các lệnh trừng phạt đánh vào kinh tế làm Bình Nhưỡng lao đao.

Toàn cảnh một phiên họp của Hạ viện Mỹ ở Washington. Ảnh: AFP/TTXVN

Mới đây nhất, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật tăng cường trừng phạt Triều Tiên liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Dự luật này được Hạ viện Mỹ thống nhất rất cao, với 415 phiếu thuận và 2 phiếu chống.

Theo đó, dự luật mang tên “Đạo luật Otto Warmbier về trừng phạt chương trình hạt nhân Triều Tiên” nhằm mục đích tôn vinh Otto Warmbier, một công dân Mỹ qua đời sau khi bị Triều Tiên bắt giữ và cắt đứt những mối liên hệ của Bình Nhưỡng với hệ thống tài chính quốc tế. Dự luật kêu gọi Bộ Tài chính Mỹ phong tỏa các tài khoản tại Mỹ của những cơ quan tài chính và công ty làm ăn với Bình Nhưỡng, bao gồm cả việc thuê các lao động Triều Tiên ở nước ngoài.

Cùng thời gian này, 16 nghị sĩ thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã gửi thư kêu gọi Ngoại trưởng nước này Rex Tillerson sử dụng quyền hạn của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ để đưa Triều Tiên trở lại danh sách “các quốc gia bảo trợ khủng bố”. Dự kiến, Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu về các gói trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên và Iran trong nay mai.

Trước đó, nhằm tiếp tục gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng và tuân thủ nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) về trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân hôm 3-9, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 8 ngân hàng và 26 nhân viên ngân hàng của Triều Tiên. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nêu rõ, việc Mỹ tăng cường trừng phạt Triều Tiên nằm trong chiến lược tăng cường cô lập quốc gia này để hướng tới mục tiêu quan trọng hơn, đó là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và mang lại hòa bình cho khu vực.

Trong một động thái liên quan, một ủy ban của LHQ cũng vừa bổ sung thêm 32 mặt hàng vào danh sách các hàng hóa và công nghệ bị cấm bán hoặc vận chuyển cho Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang phải hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt từ cộng đồng quốc tế. Các mặt hàng bị cấm bổ sung bao gồm các hộp được sử dụng để chứa chất phóng xạ, các hệ thống làm mát, máy chụp X-quang và thiết bị phát hiện địa chấn. Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác cũng bị đưa vào danh sách cấm như các máy gia tốc hạt, phần mềm tính toán neutron, các dạng axit nitric cô đặc, các thiết bị dò tìm, giám sát và đo đạc phóng xạ.

Trước đó, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết trừng phạt được đánh giá là mạnh nhất từ trước đến nay nhằm vào Triều Tiên, trong đó cấm các nước xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng và cô đặc cho Triều Tiên cũng như thuê lao động nước này. Lệnh trừng phạt cũng cấm Triều Tiên xuất khẩu một trong những mặt hàng chủ lực, nguồn thu nhập sống còn của nước này là sản phẩm may mặc sang các nước. Các biện pháp trừng phạt mới sẽ gây tổn hại kinh tế quốc gia Đông Bắc Á này ước hơn 3 tỉ USD trong năm 2017.

Cùng hành động trên, Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay nước này sẽ hạn chế xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu sang Triều Tiên, đồng thời cấm nhập khẩu toàn bộ các mặt hàng dệt may từ nước này. Theo các chuyên gia, động thái này của Bắc Kinh sẽ cắt đứt nguồn ngoại tệ chính của Triều Tiên, bởi dệt may là một mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Bình Nhưỡng mà theo ước tính các nhà phân tích thuộc IHS Markit vào khoảng 750 triệu USD mỗi năm.

Cùng với LHQ đã và đang tăng cường tối đa áp lực lên Triều Tiên, còn có nhiều quốc gia liên quan như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… cũng đang gia tăng trừng phạt quốc gia này. Hầu hết những lệnh trừng phạt đều đánh vào kinh tế nhằm bóp chặt nguồn thu của Triều Tiên. Nếu việc này tiếp tục diễn ra thì Triều Tiên thật sự rơi vào tình cảnh khốn khó. Đây là đòn ác hiểm của Washington nhằm làm suy yếu toàn diện nền kinh tế của Triều Tiên. Điều này đồng nghĩa với việc dù không phát động chiến tranh thì Bình Nhưỡng cũng không còn năng lực để theo đuổi chương trình hạt nhân.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>