Mỹ - Trung căng thẳng vấn đề Biển Đông

22/10/2018 | 08:52 GMT+7

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã có cuộc hội đàm kéo dài 90 phút mà không đạt bất cứ kết quả nào. Cuộc hội đàm bên lề cuộc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM-Plus) tại Singapore vào ngày 18-10 vừa qua.

Cuộc gặp gỡ giữa hai ông James Mattis và Ngụy Phượng Hòa bên lề Hội nghị ADMM-Plus.

Cuộc gặp trong bối cảnh mấy tháng gần đây đã liên tiếp xảy ra các vụ việc khiến quan hệ giữa hai quân đội trở nên căng thẳng. Vụ va chạm hiếm thấy trên Biển Đông giữa tàu chiến của hai bên trong một hành động của hải quân Trung Quốc ngăn cản quyết liệt tàu chiến Mỹ thực thi quyền tự do hàng hải trên biển bằng cách đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo Ga Ven ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc chiếm giữ và bồi đắp phi pháp. Mới đây nhất, hôm 16-10, Mỹ đã cho 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện trên vùng trời Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ “kịch liệt phản đối”.

Cuộc hội đàm giữa hai ông James Mattis và Ngụy Phượng Hòa đã diễn ra trong suốt 90 phút (dự kiến ban đầu là 60 phút). Sau cuộc hội đàm, ông Randall Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách vấn đề An ninh châu Á - Thái Bình Dương cho báo chí biết hai bộ trưởng nói về nhiều vấn đề, nhưng trọng tâm là tranh chấp về Biển Đông. Phía Mỹ cho rằng, hành động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông là thiếu trách nhiệm. Còn Trung Quốc thì trách Mỹ duy trì sự có mặt quân sự không thích hợp. “Cuộc gặp gỡ không giải quyết được bất đồng tiềm tàng có thể dẫn tới xung đột giữa hai bên, có một số vấn đề là thách thức lâu dài”, ông Randall Schriver nói.

Quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đột biến bắt đầu từ hồi tháng 9, Mỹ tiến hành trừng phạt Bộ công tác Phát triển trang bị Quân ủy Trung Quốc và tướng Lý Thượng Phúc, người cầm đầu cơ quan này. Nguyên nhân trừng phạt là quân đội Trung Quốc mua vũ khí của Nga, vi phạm đạo luật về trừng phạt toàn diện Mỹ ban hành năm 2017.

Trung Quốc đã phản ứng rất mạnh bằng việc triệu hồi tướng Thẩm Kim Long, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc đang ở Mỹ tham dự hội nghị quốc tế và có kế hoạch thăm chính thức Mỹ về nước. Sau đó, hoãn tổ chức hội nghị đối thoại giữa Bộ Tham mưu liên hợp hai quân đội dự kiến tổ chức tại Bắc Kinh vào cuối tháng 9. Tiếp đó đã hủy bỏ chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tới Bắc Kinh dự định trong tháng 10, lấy cớ ông Ngụy Phượng Hòa “có việc đột xuất, không hội đàm với ông James Mattis được”.

Theo Tân Hoa xã, ông Ngụy Phượng Hòa trong hội đàm đã nói: “Hai bên cần nỗ lực tăng cường trao đổi chiến lược, quản chặt nguy cơ an ninh, mở ra lĩnh vực hợp tác, thúc đẩy quan hệ giữa hai quân đội phát triển ổn định, lành mạnh. Lập trường nguyên tắc của Trung Quốc về các vấn đề Đài Loan và Biển Đông kiên định không thay đổi. Quân đội Trung Quốc kiên định quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, hy vọng phía Mỹ thuận theo tình thế, đi cùng một hướng với Trung Quốc, tích cực cống hiến để cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên thế giới và trong khu vực”.

Không lâu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng đã có cuộc gặp với các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc kêu gọi hợp tác trong việc chống lại hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông: “Tôi đề nghị rằng tất cả chúng ta - các đồng minh ASEAN và các đối tác - cùng chung tay và chúng ta phải đảm bảo rằng không có quốc gia nào được viết lại quy tắc quốc tế trên các tuyến đường và hy vọng các quốc gia lớn, nhỏ tôn trọng các quy tắc đó”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đồng thời khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục “bay, đi lại bằng tàu thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và phù hợp với nhu cầu lợi ích quốc gia” trước khi tuyên bố rằng Washington sẽ “không chấp nhận việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông hay có bất cứ hành động ép buộc nào trong khu vực này”.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>