Mỹ - Trung nối lại đàm phán thương mại ?

26/08/2020 | 17:04 GMT+7

Mặc dù giới chức Mỹ và Trung Quốc đang xúc tiến nối lại đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nhưng nhiều người vẫn hoài nghi.

Lễ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc đầu năm 2020. Ảnh: Fox Business

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Hai bên đã có cuộc đối thoại mang tính xây dựng về thỏa thuận thương mại và đẩy mạnh phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô. Trong cuộc điện đàm, cả hai bên đều thừa nhận tiến triển trong các vấn đề thương mại và cam kết biến thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đạt được hồi tháng 1-2020 giữa hai nước trở thành hiện thực.

Trong khi đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cũng xác nhận, các bên đã đánh giá về những biện pháp mà Trung Quốc thực hiện để tăng cường bảo vệ hơn nữa quyền sở hữu trí tuệ, dỡ bỏ những rào cản đối với các công ty Mỹ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, nông nghiệp, xóa bỏ việc bắt buộc chuyển giao công nghệ... USTR cho biết: “Hai bên cũng thảo luận việc Trung Quốc gia tăng đáng kể thu mua hàng hóa Mỹ, cũng như các hành động cần thiết trong tương lai nhằm thực hiện thỏa thuận. Cả 2 bên đều nhận thấy đã có những tiến triển và cam kết sẽ tiếp tục có những bước đi cần thiết nhằm thực hiện thỏa thuận”.

Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi tháng 1-2020, chấm dứt căng thẳng thương mại kéo dài gần 2 năm giữa hai nước. Dù từng là chủ đề mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong suốt 3 năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, song với thỏa thuận này, thương mại lại là khía cạnh bền vững hơn cả trong quan hệ hai nước. Ngoại trừ thương mại, Mỹ và Trung Quốc đối đầu gay gắt trên hầu hết các vấn đề từ luật an ninh Hong Kong, dịch Covid-19, đến những cáo buộc do thám, đánh cắp tài sản trí tuệ hay vi phạm nhân quyền.

Tuy nhiên, ngay từ khi thỏa thuận được ký kết, nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, đây chỉ là giai đoạn “sóng yên biển lặng” trước bão lớn. Bởi dù hai bên đã đạt được thỏa thuận giai đoạn 1, nhưng Mỹ vẫn “treo” mức thuế đã áp lên 360 tỉ USD đối với hàng hóa của Trung Quốc. Các quan chức thuộc chính quyền Tổng thống Donald Trump thời gian gần đây đã tỏ ý không hài lòng khi hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc đối với hàng nông nghiệp, chế tạo, năng lượng và dịch vụ của Mỹ chậm hơn rất nhiều so với mức cần thiết để đáp ứng mục tiêu tăng mua thêm 77 tỉ USD hàng hóa trong năm nay so với lượng mua năm 2017, dù nguyên nhân một phần là do dịch Covid-19.

Thời gian gần đây, thỏa thuận này đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn vô thời hạn đàm phán thương mại với Trung Quốc và thậm chí để ngỏ khả năng rút khỏi văn kiện. Ông Trump đồng thời chỉ trích cách Bắc Kinh ứng phó dịch Covid-19 gây nên tác động “không tưởng” đối với thế giới.

Mỹ - Trung cũng liên tục nảy sinh hàng loạt vấn đề mâu thuẫn như những bất đồng liên quan đến Đặc khu hành chính Hong Kong, động thái độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, hoạt động tình báo, đánh cắp tài sản trí tuệ, vi phạm nhân quyền… Từ đó, Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào những công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và ByteDance, đồng thời ra lệnh cấm đối với các ứng dụng điện thoại di động của Trung Quốc như TikTok và WeChat trên nước Mỹ.

Ngược lại, phía Trung Quốc cũng trả đũa bằng các biện pháp tương tự từ đó làm cho căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên một lần nữa khẳng định lập trường của Chính phủ Trung Quốc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty nước này trước những sức ép ngày một tăng của Mỹ.

Giới phân tích nhận định, việc nối lại đàm phán thương mại chỉ là một “thế cờ hòa hoãn” của hai bên để có thời gian tập trung nguồn lực để đối phó với những vấn đề lớn hơn. Cụ thể phía Trung Quốc phải lo đối phó với thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống hàng triệu người dân. Phía Mỹ cũng đang tập trung cho chiến dịch tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới và dịch bệnh hoành hành. Do vậy nhiều khả năng đàm phán thương mại Mỹ - Trung khó đạt kết quả khi cả hai bên còn quá nhiều bất đồng.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>