Mỹ – Trung: “Sóng gió” còn dài ?

06/08/2019 | 08:01 GMT+7

Với một loạt diễn biến mới, có thể thấy sóng gió đang nổi lên trong quan hệ Trung - Mỹ và không chỉ còn gói gọn trong các vấn đề kinh tế. Dường như sự cạnh tranh có tính “chiến lược” giữa Mỹ và Trung Quốc mà nhiều chuyên gia đã dự đoán đang diễn ra.

Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tổng thống Trump mới đây đã  cương quyết không nghe theo lời khuyên của hầu như toàn bộ nhóm cố vấn khi chính thức ban lệnh áp thuế 10% đối với số hàng nhập khẩu chưa chịu thuế trước đó của Trung Quốc.

Trên mặt trận kinh tế, thương chiến Mỹ - Trung bùng lên sau khi cuộc đàm phán giữa hai bên tại Thượng Hải, Trung Quốc đã không thành công như mong đợi. Ngay lập tức, Tổng thống Trump - như thường lệ - lên Twitter thông báo sẽ áp thuế 10% đối với 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1-9-2019.

Trong các vấn đề nội bộ, Mỹ cũng không ngần ngại “nắn gân” Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ đã “bật đèn xanh” và bắt đầu tiến hành các thủ tục thông qua cho việc bán hơn 2,2 tỉ USD vũ khí cho Đài Loan, trong đó bao gồm các hệ thống tên lửa không đối không Stinger, xe tăng Abrams...; cho phép lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn quá cảnh 4 đêm tại Mỹ bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Về đối ngoại, tại các hội nghị trong khuôn khổ AMM-52 tuần qua tại Bangkok (Thái Lan), Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cũng tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc khi kêu gọi các nước lên tiếng phản đối các hành động “cưỡng ép” của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng các đập trên thượng nguồn sông Mekong làm mực nước ở hạ lưu giảm xuống mức thấp nhất trong thập kỷ này.

Theo các nhà phân tích, biện pháp áp thuế mới của Mỹ có hiệu lực trước thềm kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh Trung Quốc (1/10/1949 - 1/10/2019). Chính vì thế, ngay trước thời điểm có ý nghĩa như vậy, Bắc Kinh khó có thể vì áp lực mà đi đến một thỏa thuận với Washington. Nếu “lùi bước” trước đối phương thì chẳng khác nào Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện sự yếu thế ngay trong giai đoạn mang nhiều ý nghĩa lịch sử của đất nước. Bên cạnh đó, Mỹ cũng khó kỳ vọng nhiều vào việc tăng cường áp lực sẽ khiến ông Tập lùi bước do hứng chịu tổn thất kinh tế, kéo theo vấn đề từ các yếu tố chính trị nội bộ. Đó là vì những diễn biến gần đây cho thấy đương kim lãnh đạo Trung Quốc đang có nhiều ảnh hưởng hơn với giới quân đội cùng một số lực lượng quan trọng, nhằm củng cố vị thế trong nội bộ.

Chuyên gia về châu Á Atul Aneja nhận định nhiều dấu hiệu đã xuất hiện cho thấy Trung Quốc cũng  đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu dài hạn với Mỹ đến ít nhất là 15 năm tiếp theo. “Ý định kéo dài cuộc đối đầu của Trung Quốc đã lộ rõ qua các động thái trong nhiều tháng gần đây. Hôm 22-5, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc Zhang Yansheng trong một buổi hội thảo đã khẳng định Bắc Kinh và Washington sẽ đồng thời “đàm phán” và “đối đầu” lặp đi lặp lại cho đến năm 2035.

Năm 2035 là một năm rất quan trọng, vì đây là cột mốc hoàn thành của kế hoạch “hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa” mà Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đã đề ra vào năm 2017” - chuyên gia Aneja giải thích. Một số nhà phân tích cho rằng đích đến của kế hoạch trên có thể ngụ ý năm 2035 là thời điểm mà Trung Quốc chính thức vượt qua Mỹ cả về tiềm lực kinh tế và thế mạnh công nghệ.

Chuyên gia Aneja cũng lưu ý: Ông Tập Cận Bình vào tháng 5-2019 đã thừa nhận sẽ có những bước thăng trầm và có thể sẽ thay đổi chiến thuật để thích nghi khi khẳng định Trung Quốc cần tiến hành một cuộc “vạn lý trường chinh mới” hòng giành lấy thắng lợi trước Mỹ.

Trong lịch sử, không khó để nhận thấy quan hệ giữa hai cường quốc này đều đã từng có lúc thăng, lúc trầm. Mặc dù chưa có những xung đột mang tính thay đổi cục diện quan hệ, tuy nhiên hiếm khi giữa họ đang gặp nhiều vấn đề cùng một lúc trên nhiều mặt trận như hiện nay, cả về nội bộ, kinh tế, đối ngoại... Những sóng gió này  báo hiệu chặng đường phía trước đầy khó khăn trong quan hệ giữa hai cường quốc này.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>