Mỹ và 16 năm cuộc chiến chống khủng bố

12/09/2017 | 05:28 GMT+7

Bất chấp việc nước Mỹ đang đối mặt với siêu bão Irma, một loạt hoạt động tưởng niệm được tổ chức tại Mỹ hôm 11-9 để tưởng nhớ những nạn nhân trong vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử quốc gia này.

Vụ khủng bố 11-9-2001 là sự kiện kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.

Tại thành phố New York, hàng trăm người gồm gia đình các nạn nhân trong vụ khủng bố, các chính trị gia cùng các tầng lớp nhân dân Mỹ tập trung tại Đài tưởng niệm 11-9. Toàn bộ danh sách 2.983 nạn nhân trong vụ khủng bố kinh hoàng này được đọc trong buổi lễ. Buổi lễ dành 1 phút mặc niệm vào 6 thời điểm - 2 lần đánh dấu thời điểm mỗi chiếc máy bay đâm vào các tòa tháp, 2 lần đánh dấu thời điểm khi mỗi tòa tháp sụp xuống và các thời điểm xảy ra vụ tấn công vào Lầu Năm Góc và chuyến bay mang số hiệu 93. Phút yên lặng đầu tiên diễn ra lúc 8h46 (giờ địa phương) với các nhà thờ trong thành phố sẽ đồng loạt rung chuông. Cột ánh sáng tưởng niệm ở Manhattan tái hiện hình ảnh tòa tháp đôi trước khi bị máy bay do không tặc khống chế đâm vào cũng bật sáng từ buổi chiều ngày 11-9 tới sáng ngày hôm sau. Nhiều hoạt động tưởng niệm cũng diễn ra trên khắp nước Mỹ.

Trong thông điệp nhân 16 năm ngày 11-9, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell khẳng định, cả nước Mỹ sẽ không quên ngày 11-9: “Đúng vào buổi sáng 11-9 cách đây 16 năm, đất nước của chúng ta đã thay đổi mãi mãi. Hôm nay là ngày tưởng nhớ các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố kinh hoàng 11-9. Chúng ta tôn vinh các gia đình. Chúng ta cũng nhớ ơn đến những người đã hy sinh cả mạng sống của mình hàng ngày để giúp cuộc sống của chúng ta an toàn”.

Tổng thống Donald Trump hôm qua cũng lần đầu tiên tham gia lễ kỷ niệm 11-9 trên cương vị Tổng thống Mỹ. Tổng thống và Phu nhân tham gia một buổi lễ tưởng niệm trọng thể tại Nhà Trắng và một buổi lễ với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Tổng tham mưu trưởng quân đội Joseph Dunford tại Bộ Quốc phòng Mỹ.

Từ năm 2001 đến nay, 16 năm đã trôi qua, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ và các đồng minh đã gây ra những tiêu hao đáng kể, cả về người và của, tuy nhiên kết quả mà nó mang lại không tương xứng. Dù đạt được một số kết quả quan trọng song cuộc chiến này đã bộc lộ nhiều sai lầm, bất cập và khó có hồi kết. Theo giới phân tích quốc tế, sau 16 năm với 3 đời Tổng thống cùng với những chiến lược khác nhau, Mỹ đã giành thắng lợi “thần tốc” trong hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan vào năm 2001 và ở Iraq vào năm 2003, song lại bị “sa lầy” tại hai chiến trường này trong hơn một thập kỷ qua. Tính đến nay, đã có hơn 2.400 binh sĩ Mỹ đã tử nạn khi tham chiến tại Afghanistan. Ngoài số binh sĩ Mỹ và nước ngoài, tổng số người thiệt mạng trong cuộc chiến tại Afghanistan có thể lên tới gần 100.000 người bao gồm cả binh lính và người dân địa phương.

Cuộc chiến chống khủng bố còn để lại cho nước Mỹ những hệ lụy nhiều mặt về kinh tế, chính trị và đối ngoại. Riêng về kinh tế, theo thống kê mới nhất, Mỹ đã phải chi cho cuộc chiến chống khủng bố hàng chục nghìn tỉ USD. Trong đó, riêng trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, Mỹ đã tiêu tốn khoảng 6.000 tỉ USD.

Cuộc chiến do Mỹ tiến hành tại Afghanistan đã trải qua gần 16 năm và xung đột vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Theo nhận định của các quan chức trong chính quyền Mỹ mới đây, cuộc chiến tại Afghanistan đã rơi vào bế tắc khi lực lượng an ninh nước này vẫn đang phải chật vật chống lại phiến quân Taliban và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, bất chấp có được sự hỗ trợ từ Mỹ và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chiến lược mới tại quốc gia châu Á này mà điển hình nhất là việc triển khai thêm binh sĩ quân đội tới đây. Tuy nhiên, phía Nga cho rằng, chiến lược mới của Mỹ sẽ khiến cho tình hình Afghanistan càng thêm bế tắc.

Dư luận cho rằng, để việc chống khủng bố hiệu quả, Mỹ cần phải tiến hành giải pháp đồng bộ với sự hợp tác của cả cộng đồng quốc tế, nhất là giải quyết tận gốc sự đói nghèo, bất công, bất bình đẳng. Chủ nghĩa khủng bố sinh ra từ sự thù hận, tư tưởng cực đoan mà nguồn gốc chính là sự bất công, phân cực trên thế giới. Chính vì vậy, cần có những giải pháp bền vững hơn và cách tiếp cận mới về chống chủ nghĩa khủng bố. Nếu không, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ sẽ có thể trở thành cuộc chiến không có hồi kết.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>