Mỹ và đồng minh tấn công Syria là tội ác

18/04/2018 | 08:54 GMT+7

Dù có nhiều lý do biện minh nhưng hành động không kích tấn công Syria của liên quân Anh - Pháp - Mỹ vẫn bị dư luận quốc tế lên án và xem đây là tội ác. 

Đông đảo người dân Syria bày tỏ sự ủng hộ với Tổng thống Bashar al-Assad và quân đội Chính phủ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, việc liên quân Mỹ, Anh và Pháp đã tiến hành cuộc không kích bằng tên lửa nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Syria là hành động đáp trả vụ việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma hôm 7-4 vừa qua. Cuộc tấn công được thực hiện vài giờ trước khi Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đến Douma để xác định liệu một cuộc tấn công hóa học đã diễn ra ở đó hay không. Ba mục tiêu được nhắm đến đó là: Trung tâm nghiên cứu khoa học tại thủ đô Damascus, được cho là nơi nghiên cứu, chế tạo vũ khí hóa học; kho chứa vũ khí hóa học, nằm ở phía Tây thành phố Homs; kho chứa vũ khí hóa học đồng thời là sở chỉ huy, cũng ở Homs. Chỉ một đợt không kích này, Mỹ và đồng minh tốn 240 triệu USD nhưng nặng nề hơn là bị dư luận phản ứng mạnh mẽ.

Có nhiều lý do để biện minh cho hành động trên tuy nhiên động cơ của vụ tấn công này chính là nhằm vào Tổng thống Syria Assad và chính quyền của ông. Bởi lẽ, từ lâu ông Assad là “cái gai” trong mắt Mỹ khiến Washington dùng mọi cách để lật đổ nhưng bất thành. Sâu xa hơn của động cơ đen tối này là trả đũa Nga trong việc hỗ trợ Syria chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo đó, liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu được tiến hành hỗ trợ Syria chống IS nhiều năm nay nhưng kém hiệu quả. Trong khi đó, chỉ sau hai năm Nga tham chiến, Damascus đã quét sạch IS khỏi đất nước. Đồng thời dưới sự hỗ trợ của Nga, Syria cũng đã chiến thắng phiến quân giành lại tất cả các vị trí quan trọng do lực lượng này chiếm giữ. Chính việc này đã làm cho Mỹ và đồng minh phương Tây “ê mặt” và mất uy thế. Do vậy, việc Mỹ và đồng minh cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học chỉ là cái cớ duy nhất khi không tìm được lý do khác để tấn công quốc gia Trung Đông này nhằm lấy lại chút thể diện.

Giới quan sát cho rằng, mục tiêu lật đổ chính quyền Tổng thống Assad của Mỹ và phương Tây bằng phương cách luật pháp hóa chính trị (sử dụng công cụ pháp lý để luận tội theo điều khoản về “trách nhiệm bảo vệ” của Liên Hiệp Quốc) được cho là cao tay. Bởi lẽ, chính việc cáo buộc chính quyền ông Assad sử dụng vũ khí hóa học giết hại dân thường thời hậu IS là “nhất cử lưỡng tiện”, vừa triệt tiêu được Damascus, vừa ngăn được Matxcơva cứu nguy cho đồng minh. Đây cũng là yếu tố tạo thêm hồ sơ tội ác của Assad sẽ ngày càng dày hơn, từ đó buộc Tổng thống Assad “phải ra đi” theo kịch bản của phương Tây.

Mặt khác, một động lực thúc đẩy Mỹ và đồng minh tạo cớ và tấn công quân sự Syria bởi vì đây là mảnh đất giàu có tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ. Được biết, năm 2018, sản lượng khai thác dầu hàng ngày dự tính đạt 70.000 thùng, 19 triệu m3 khí đốt và năm 2019 là 219.000 thùng/ngày và 24,5 triệu m3/ngày. Đây thật sự là miếng bánh béo bở để Mỹ và phương Tây dòm ngó.

Thực tế cho thấy, hiện quân đội Syria đang lợi thế cả trên chiến trường và chính trường trong việc tiêu diệt phiến quân thì không dại gì họ thực hiện việc tấn công quân nổi dậy bằng vũ khí hóa học để rồi tự đưa mình vào tròng (kể cả trường hợp Damascus còn cất giấu vũ khí hóa học). Do vậy việc tấn công bằng vũ khí hóa học khó có khả năng xảy ra.

Như vậy, ẩn giấu sau vỏ bọc “loại trừ khả năng chế tạo và sử dụng vũ khí hóa học”, Mỹ và phương Tây dường như muốn tiếp tục can dự sâu hơn nhằm hiện thực hóa các lợi ích của mình và chống lại nguy cơ bị đứng bên rìa trong các giải pháp về vấn đề Syria. Vì thế, việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình thực sự cho người dân Syria xem ra vẫn còn nan giải và đòi hỏi phải có sự kiềm chế và nhượng bộ của tất cả các bên liên quan.

Cho dù vì lý do nào việc tấn công Syria vào thời điểm này thật sự là một tội ác. Bởi lẽ, sau hơn 8 năm nội chiến và chống IS đã có hơn 511.000 người Syria đã thiệt mạng, hàng triệu người khác bị thương và rời bỏ nhà cửa đi tị nạn. Ngoài cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng phải nhiều năm mới khôi phục. Mặt khác, quốc gia Trung Đông này vừa tuyên bố cơ bản tiêu diệt phiến quân đang tiến hành khôi phục đất nước thì vô cớ phải gánh chịu chiến tranh do Mỹ và đồng minh phương Tây gây ra. Tất cả những mất mát này đều đổ lên đầu người dân vô tội. Đây thật sự là một tội ác nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Ngay sau khi cuộc tấn công kết thúc, cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Theresa May đã bị chính dư luận quê nhà “quay lưng” vì quyết định trên. Hai nhà lãnh đạo Pháp - Anh này chịu áp lực không nhỏ ở trong nước và không loại trừ khả năng có thể phải đối mặt với một cái giá về chính trị cho hành động này.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>