Nga chưa thể rút quân khỏi Syria

07/02/2018 | 09:19 GMT+7

Việc phiến quân Syria bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga đã khiến Matxcơva tức giận nên đã tăng cường không kích với quyết tâm trả thù.

Ảnh minh họa: SPUTNIK

Theo Bộ Quốc phòng Nga, ngày 3-2, lực lượng phiến quân Syria đã bắn hạ máy bay chiến đấu Su-25 tại khu vực thuộc thị trấn Khan al-Subl gần thành phố Saraqeb, nằm sát một tuyến đường cao tốc chính. Phi công đã bung dù thoát khỏi máy bay nhưng sau đó bị các tay súng phiến quân Syria bắt giữ và sát hại trên mặt đất. Cùng ngày, nhóm Tahrir al-Sham, một tổ chức thánh chiến có quan hệ với Mặt trận Nusra, tổ chức từng là chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria, đã lên tiếng thừa nhận gây ra vụ việc trên.

Hệ lụy của vụ việc trên khiến Matxcơva tức giận và tăng cường không kích trả thù phiến quân, đồng thời điều tra truy tìm nguồn gốc vũ khí bắn rơi cường kích Su-25 của quân đội nước này. Theo đó, Nga đã liên tục không kích lực lượng phiến quân tại đây. Qua đó, đã có hơn 30 phiến quân đã bị tiêu diệt trong cuộc tấn công bằng vũ khí có độ chính xác cao mà lực lượng Nga tiến hành tại tỉnh Idlib. Cùng thời này, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đang liên hệ với các lực lượng đối lập tại Syria, cũng như với Thổ Nhĩ Kỳ, để tìm cách đưa thi thể phi công thiệt mạng về nước. Nga cũng cho biết sẽ quyết tìm ra người đứng sau cung cấp hệ thống tên lửa phòng không di động (MANPAD) cho phiến quân, loại vũ khí đã bắn rơi máy bay Su-25 của Nga.

Một quan chức quân đội Nga cho biết Matxcơva sẽ tiến hành cuộc điều tra cặn kẽ về nguồn gốc của hệ thống tên lửa phòng không vác vai được sử dụng để bắn Su-25. Ông Frants Klintsevich, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Liên bang Nga, khẳng định: “Chắc chắn chúng tôi sẽ điều tra vụ việc cặn kẽ, từ loại tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) mà các phiến quân sử dụng, đến tình huống khi Su-25 bị bắn rơi”. Ông Klintsevich hy vọng cơ quan điều tra có thể thu thập bằng chứng một cách dễ dàng nhờ “sự linh hoạt của thiết bị bay không người lái và thiết bị giám sát không gian trong khu vực”. Theo ông Klintsevich, về mặt quân sự, việc quân đội Nga mất đi một chiếc Su-25 không phải là vấn đề quá to lớn. Nhưng về mặt chính trị, vụ tấn công chắc chắn sẽ tạo nên những ảnh hưởng và hậu quả nặng nề.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên một máy bay của quân đội Nga bị bắn hạ trên chiến trường Syria. Tháng 8-2016, toàn bộ 5 binh sĩ trên một trực thăng của quân đội Nga đã thiệt mạng khi máy bay bị bắn rơi tại tỉnh Idlib. Trước đó, một phi công Nga thiệt mạng khi tiêm kích Su-24 của Nga bị máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ tháng 11-2015. Nga can dự vào cuộc chiến tại Syria từ năm 2015 với tư cách đồng minh của Tổng thống Syria Bashar Al Assad. Từ đó đến nay, ít nhất 45 binh sĩ Nga đã bị thiệt mạng.

Trong một động thái liên quan, các nhà lập pháp Nga đang tỏ ra lo lắng trước thực tế các chiến binh khủng bố có thể sở hữu trong tay các loại vũ khí phòng không. Việc này đã, đang và sẽ gây phương hại đến quân đội Nga tại Syria. Theo giới chuyên môn, hệ thống MANPADS mà các phiến quân sử dụng để bắn rơi máy bay của Nga được đưa vào Syria từ một nước láng giềng cách đây vài ngày. Nghị sĩ Dmitry Sablin, điều phối viên nhóm nghị sĩ Nga - Syria, cho rằng: “Các quốc gia nơi sản xuất những thứ vũ khí này để chuyển cho phiến quân ở Syria để sử dụng để chống lại quân đội Nga, chắc chắn họ sẽ bị trừng phạt”.

Còn Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Duma Quốc gia Nga Yury Shvytkin nói với hãng tin RIA rằng ông tin xuất xứ của hệ thống MANPADS mà các phiến quân sử dụng “có liên quan đến các nước phương Tây”. Trong đó, quốc gia đáng nghi ngờ nhất là Mỹ. Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc khi trả lời hãng tin Tass đã bác bỏ cáo buộc cho rằng Mỹ gửi hệ thống vũ khí phòng không nói trên đến Syria. Tuy nhiên, dự luật chi tiêu quốc phòng năm 2017 của Mỹ, ký dưới thời Tổng thống Barack Obama, được cho là đã mở ra cánh cửa nhằm cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria là nền tảng để củng cố những nghi ngờ của Nga.

Giới quan sát cho rằng mặc dù thời gian gần đây, Nga tuyên bố sẽ rút quân khỏi Trung Đông trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhưng xem ra vẫn chưa thể thực hiện vì nhiều lý do. Vụ việc máy bay Su-25 của Nga bị bắn rơi vừa qua giống như một sợi dây vô hình buộc Matxcơva khó rời khỏi cuộc chiến này ở Syria.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>