Nga - Mỹ chưa đồng thuận gia hạn START-3

27/12/2019 | 06:51 GMT+7

Nga hiện có nhiều động thái thiện chí muốn gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3) mà nước này đã ký với Mỹ, thì Washington lại lần lữa chưa đồng thuận. Điều này dấy lên quan ngại một cuộc chạy đua phát triển vũ khí mới sẽ xảy ra.

Năm 2020 quyết định số phận Hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược Nga - Mỹ. Ảnh: REUTERS

START-3, được Nga và Mỹ ký kết vào tháng 4-2010, nhằm giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới này có thể triển khai. Thỏa thuận này có hiệu lực trong vòng 10 năm kể từ ngày 5-2-2011 và có khả năng được gia hạn không quá 5 năm nếu hai bên tham gia hiệp ước nhất trí. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực và trong tương lai, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng tên lửa đã triển khai và chưa triển khai. Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng hai lần mỗi năm.

Theo đó, START-3 sẽ hết hạn vào tháng 2-2021 nên việc đàm phán gia hạn cần được thực hiện sớm để đi đến thống nhất giữa hai bên. Tuy nhiên, thời gian gần đây giữa Nga và Mỹ có nhiều bất đồng nên ảnh hưởng không nhỏ đến START-3. Trong khi Nga bày tỏ thiện chí muốn Mỹ gia hạn START-3 nhưng Washington lại lần lữa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố: “Tôi xin được nhấn mạnh lập trường của Nga một lần nữa là Matxcơva sẵn sàng gia hạn START-3 trước cuối năm nay mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”.

Trong khi đó, Thứ trưởng phụ trách chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ John Rood khẳng định Mỹ có đủ thời gian để đàm phán nhằm gia hạn START-3. Ông Rood khẳng định: “START-3 sẽ hết hạn vào tháng 2-2021, vì vậy Mỹ có thời gian cho tới thời điểm đó”.

Trong một động thái liên quan, Đại sứ Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ khí Robert Wood khẳng định: “Mỹ phát hiện ra việc Nga không đáng tin trong việc tuân thủ các quy định về kiểm soát vũ khí. Những hành động này của Nga đang làm gia tăng căng thẳng trên toàn cầu. Đã đến lúc Nga cần phải tuân thủ các quy định”.

Gới phân tích nhận định, động thái chần chừ của Mỹ khiến Nga lo ngại chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ từ bỏ START-3 như đã làm với Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Việc INF đổ vỡ vào tháng 8 vừa qua khiến các chuyên gia lo ngại hai cường quốc quân sự sẽ rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang mới. Ông Putin cũng từng cảnh báo Mỹ rằng, việc từ chối gia hạn START-3 sẽ gây thêm nhiều hiểm họa và bất ổn cho an ninh thế giới. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định: “START-3 là hiệp ước duy nhất chúng ta có nhằm tránh rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang toàn diện”.

Trong một diễn biến liên quan, mới đây, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẵn sàng hợp tác về các thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới, nhưng trong thời gian ấy vẫn sẽ tiếp tục tăng cường các lực lượng hạt nhân. Theo đó, năm 2020, các lực lượng hạt nhân Nga sẽ tiếp nhận 22 bệ phóng tên lửa liên lục địa chiến lược siêu âm Avangard và Yars. Avangard là một trong những vũ khí chiến lược mới nhất có khả năng bay liên lục địa với tốc độ gấp 20 lần tốc độ âm thanh. Ông Putin cũng khẳng định, lần đầu tiên trong lịch sử về cân bằng chiến lược, Nga đã đi trước Mỹ trong việc phát triển vũ khí tối tân.

Từ những diễn biến trên cho thấy, cuộc đua phát triển vũ khí tấn công chiến lược giữa Nga - Mỹ vẫn âm thầm diễn ra đi ngược lại với cam kết START-3. Điều này đồng nghĩa việc gia hạn START-3 sẽ càng khó khăn hơn trong tương lai.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>