Nga - Trung Quốc - EU muốn cứu vãn JCPOA

26/12/2019 | 08:45 GMT+7

Trong khi Mỹ - Iran gia tăng căng thẳng bằng việc trả đũa lẫn nhau thì Nga, Trung Quốc và EU nỗ lực cứu vãn JCPOA trong tuyệt vọng.

Iran mời báo chí tới chứng kiến sự ra mắt mạch thứ cấp trong lò phản ứng nước nặng Arak. Ảnh: REUTERS

Mới đây, dưới sự chứng kiến của báo chí, Iran đã ra mắt mạch thứ cấp trong lò phản ứng nước nặng Arak. Việc Tehran công bố xây dựng lại lò phản ứng nước nặng Arak, một động thái tuy không vi phạm các lệnh trừng phạt của quốc tế về chương trình hạt nhân của nước này nhưng chắc chắn sẽ gia tăng căng thẳng với Mỹ. Đây là bước đi thứ 5 trong việc giảm các cam kết thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với Nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Trước đó, Tehran đã làm giàu urani vượt mức cho phép nhiều lần làm cho nhiều quốc gia liên quan đến JCPOA quan ngại.

Điều này đồng nghĩa Iran đã tái kích hoạt các phần của chương trình hạt nhân để phản đối việc Mỹ rút khỏi JCPOA trong năm ngoái.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi tuyên bố: “Chúng tôi có thể đẩy nhanh một số công việc như tăng sản xuất một số máy móc nhất định. Ví dụ có một số máy ly tâm đã vượt qua các bài kiểm tra áp lực và chúng tôi có thể tăng sản xuất chúng, thậm chí tăng sản xuất máy ly tâm tới quy mô công nghiệp”.

Thời gian gần đây, Mỹ liên tục gia tăng các lệnh trừng phạt nhằm vào kinh tế Iran với cáo buộc quốc gia Hồi giáo này không tuân thủ JCPOA. Mỹ cho biết, việc rút khỏi thỏa thuận và quyết định tái áp đặt các lệnh trừng phạt sẽ buộc Iran nhất trí về một thỏa thuận sâu rộng hơn. Những hành động thù địch trên đã làm cho Tehran rơi vào cảnh khó khăn.

 Trong khi đó, Iran luôn khẳng định, chương trình hạt nhân của họ là nhằm sản xuất điện, phục vụ y khoa, và các mục đích hòa bình khác và sẽ không đàm phán cho tới khi các lệnh trừng phạt được bãi bỏ.

Chính những bất đồng trên đã khơi sâu mâu thuẫn giữa hai quốc gia làm cho JCPOA đã đổ nay lại càng khó cứu vãn.

Mới đây, trong một động thái được cho là tìm cơ hội cuối cùng nhằm cứu vãn JCPOA, Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã tham vấn nhau để tìm giải pháp khả thi cho vấn đề nóng này.  Theo đại diện thường trực của Nga tại EU Vladimir Chizhov, các cuộc tham vấn giữa Nga, Trung Quốc và một vài nước EU về việc cứu vãn JCPOA. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng vẫn chưa được công bố.

 Về phía Iran, Thứ trưởng Ngoại giao nước này Abbas Araqchi cho rằng thỏa thuận hạt nhân mà Tehran và các cường quốc thế giới ký năm 2015 đang ở trong tình trạng giống như “bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt”. Theo ông Araqchi, châu Âu cần phải nỗ lực hết sức để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử JCPOA. Bởi lẽ, Tehran đã “chi trả những phí tổn” cần thiết theo thỏa thuận này và giờ là lúc các bên còn lại có hành động tương tự. Thứ trưởng Ngoại giao Iran nêu rõ: “Chúng tôi đã chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân của mình, nhưng lại đã trở thành mục tiêu của chiến dịch gây sức ép tối đa từ Mỹ. Trong những tình huống như vậy, các đối tác khác thuộc JCPOA cần hướng tới những cách tiếp cận thực tế để giúp Iran thoát khỏi các lệnh trừng phạt”.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã dẫn đến một cuộc chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân ngầm. Điều này không có lợi cho cả hai quốc gia và đi ngược lại mong muốn của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Ngăn chặn hành động trên bằng việc cứu vãn JCPOA là việc làm cấp thiết hiện nay đòi hỏi các quốc gia liên quan cùng tham gia.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>