Nga - Ukraine gia tăng căng thẳng

28/11/2018 | 04:58 GMT+7

Sau vụ lực lượng an ninh Liên bang Nga bắn và thu giữ 3 tàu Ukraine, quan hệ hai nước vốn dĩ đã có nhiều mâu thuẫn này lại càng gia tăng căng thẳng hơn.

Một tàu chiến của Ukraine. Nguồn: REUTERS

Theo đó, sự cố xảy ra ngày 25-11 vừa qua khi 3 tàu Hải quân Ukraine: Berdyansk, Nikopol và Yany Kapu bị cáo buộc vi phạm Điều 19 và Điều 21 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), vượt qua biên giới trên biển của Nga, tiến vào khu vực tạm thời bị cấm và di chuyển từ Biển Đen về phía eo biển Kerch. Theo Cơ quan An ninh Quốc gia Nga (FSB), các tàu của Ukraine đã không đáp lại yêu cầu của lực lượng thực thi pháp luật Nga và thậm chí còn thực hiện một số thao tác nguy hiểm, buộc họ phải có phản ứng cần thiết. Do vậy, các tàu trên đã bị phía Nga bắt giữ và được đưa đến cảng Kerch cùng với 3 binh sĩ Ukraine bị thương nhẹ hiện đang nhận được sự trợ giúp y tế cần thiết.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin cho rằng, vụ va chạm ở eo biển Kerch là một sự khiêu khích của Ukraine đã được tính toán từ trước. Mục tiêu của sự khiêu khích là nhằm làm nổi bật Ukraine như là bên bị hại và để huy động các chính sách chống Nga của phương Tây. Đương nhiên, nó cũng nhằm mục đích thúc đẩy hình ảnh của Tổng thống Poroshenko trước chiến dịch bầu cử vào năm sau. Sau vụ việc trên, tuyến đường biển qua eo biển Kerch, nối Biển Đen và biển Azov đã bị đóng cửa.

Phản ứng trước vụ việc trên, phía Ukraine phủ nhận việc các tàu của nước này có thể làm bất kỳ điều gì sai trái, cáo buộc Nga có hành động gây hấn quân sự và kêu gọi cộng đồng quốc tế có biện pháp trừng phạt Matxcơva. Hải quân Ukraine cho biết thêm, 6 thủy thủ của họ bị thương trong vụ việc sau khi bị các tàu của Nga chủ động đâm vào các tàu này. Đồng thời cáo buộc, tàu Nga tấn công sau khi các tàu của Ukraine rút lui, quay trở lại Odessa - nơi các con tàu này bắt đầu hành trình.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng đã triệu tập một cuộc họp với các quan chức an ninh và quân sự hàng đầu để thảo luận việc áp dụng thiết quân luật sau sự việc nói trên. Theo Giám đốc Cơ quan biên phòng quốc gia Ukraine Petr Tsigikal, lực lượng này có kế hoạch tăng cường bảo vệ tại biên giới, và đề xuất hạn chế việc nhập cảnh vào Ukraine đối với một số đối tượng công dân Nga. Ông Tsigikal nói: “Xuất phát từ tình hình hiện tại chúng tôi có kế hoạch chuyển sang chế độ tăng cường bảo vệ tại biên giới”. Cùng thời gian này, toàn bộ Lực lượng Hải quân Ukraine đều được đặt vào tình trạng báo động, với tất cả tàu chiến đóng tại cảng Odessa đã ra khơi trong đêm 25-11.

Những động thái gia tăng lực lượng quân đội dọc biên giới giữa Nga và Ukraine đã dấy lên quan ngại về một cuộc chiến ngoài mong đợi sẽ nổ ra. Trước tình hình trên, Liên minh châu Âu (EU) ra thông cáo nói rằng họ mong Nga khôi phục tự do đi lại qua eo biển Kerch và hối thúc hai bên hành động một cách kiềm chế để tránh leo thang căng thẳng.

Quan hệ giữa Nga và Ukraine vốn dĩ “cơm không lành, canh không ngọt” kể từ khi Matxcơva sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014 theo yêu cầu của Crimea. Tiếp sau đó là nội chiến diễn ra đẫm máu tại miền Đông Ukraine mà phía Ukraine cáo buộc Nga đứng phía sau giật dây. Kể từ đó mâu thuẫn giữa Ukraine và Nga lớn dần theo thời gian dẫn đến gia tăng căng thẳng và trừng phạt nhằm vào nhau.

Mới đây, Nga đã mở lại eo biển Kerch gần Crimea để phục vụ hoạt động hàng hải. Tuy nhiên, động thái này vẫn chưa được phía Ukraine đồng thuận. Kiev đề nghị Nga cung cấp hỗ trợ y tế khẩn cấp cho những người bị thương và đảm bảo họ trở về nhà an toàn ngay lập tức. Ukraine cũng đề nghị trả lại những tàu hải quân bị bắt giữ và bồi thường thiệt hại đã gây ra.

Động thái gây sức ép của Ukraine đi kèm với sự hỗ trợ của EU chắc chắn Nga khó đồng thuận. Bởi lẽ nếu như vậy Matxcơva đã thừa nhận họ sai. Điều này đồng nghĩa với nhiều khả năng hòa giải mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine khó thành hiện thực.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>