Nhật tăng cường liên minh với Mỹ chống Trung Quốc

01/10/2020 | 08:35 GMT+7

Sau khi tiếp nhận Thủ tướng Nhật Bản thay cho ông Abe Shinzo, động thái mang tính chiến lược của ông Yoshihide Suga là thắt chặt liên minh Mỹ - Nhật chống Trung Quốc.

Tàu đánh cá của Trung Quốc tiến về phía Biển Hoa Đông từ thành phố Chu San, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Tân Hoa xã

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Nhật - Mỹ đã “đạt tới mức chưa từng có trong lịch sử” do “môi trường an ninh quốc gia ngày càng khắc nghiệt. Vì vậy, ông muốn “tăng cường hơn nữa năng lực răn đe và ứng phó”.

Ông Kishi cho biết, Nhật Bản muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ để xem xét kế hoạch triển khai các thành phần (của hệ thống phòng thủ tên lửa lớp Aegis trên bộ) trên các tàu chiến cũng như bày tỏ muốn được có các cơ hội trao đổi trực tiếp với người đồng cấp phía Mỹ Mark Esper về những vấn đề liên quan nhằm đối phó Trung Quốc.

Nhật Bản và Trung Quốc lâu nay đã có những bất đồng khó giải quyết, đặc biệt là căng thẳng trên Biển Hoa Đông. Vấn đề nổi cộm gần đây trong tranh chấp lãnh hải giữa hai nước thuộc quần đảo mà phía Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư (Senkaku/Điếu Ngư). Theo đó, Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động trên biển ở cả Biển Đông và Biển Hoa Đông trong những tháng qua, một phần do lo ngại việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.

Một số chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang sử dụng chiến lược “cắt salami” ở Biển Hoa Đông, nghĩa là Bắc Kinh sẽ từ từ thực hiện các hành động nhỏ, không đủ để khơi mào cho một cuộc chiến, mà nhằm kéo dài thời gian để từng bước thay đổi chiến lược lớn, chuyển từ tình trạng hiện nay sang chiếm giữ và nắm quyền kiểm soát các hòn đảo.

Chuyên gia an ninh Đông Á Alessio Patalano thuộc Khoa Nghiên cứu Chiến tranh của Cao đẳng Hoàng gia London nhận định hồi tháng trước rằng, các hành vi chiếm giữ trong thời gian dài của Trung Quốc ở những vùng biển đang tranh chấp là nhằm bình thường hóa sự hiện diện của nước này và “chủ động thách thức quyền kiểm soát của Chính phủ Nhật Bản”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ tháng 4 đến tháng 8-2020, các tàu của Trung Quốc đã vào vùng biển tranh chấp này trong 111 ngày liên tiếp. Như vậy kể từ tháng 4 năm ngoái đến tháng 8 năm nay, các tàu của Trung Quốc vào khu vực tiếp giáp 456 ngày trong số 519 ngày.

Chuyên gia Patalano cho rằng: “Dường như Trung Quốc không chỉ tìm cách phô diễn lực lượng ở các khu vực quanh quần đảo này nữa. Nước này hiện đang bắt đầu chủ động thách thức quyền kiểm soát của Nhật Bản”.

Còn chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học George Washington, đồng thời là một chuyên gia trong quan hệ Nhật - Mỹ Mike Mochizuki nhận định, căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc giữa bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung lao dốc chỉ khiến cho Nhật Bản thắt chặt liên minh với Mỹ và tham gia vào chiến lược kiềm chế Bắc Kinh của Washington.

Trước diễn biến phức tạp trên, các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Tự do, đảng cầm quyền tại Nhật Bản đã hối thúc chính phủ tổ chức các cuộc tập trận chung với Mỹ ở Biển Hoa Đông để thúc đẩy quyền kiểm soát của Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp này.

Các nghị sĩ cũng kêu gọi cần nhanh chóng tiến hành nghiên cứu và phát triển các máy bay trinh sát, các phương tiện chiến đấu đổ bộ và các hệ thống vũ khí khác nhằm bảo vệ quần đảo này.

Dù không muốn chiến tranh với Trung Quốc nhưng những động thái chủ động ứng phó của Nhật đã cho thấy quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tokyo.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>