Nhiều bất đồng tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 55

18/02/2019 | 07:35 GMT+7

Hội nghị đã khai mạc cuối tuần qua tại thành phố Munich của Đức, với nội dung trọng tâm là các vấn đề an ninh toàn cầu. Mục tiêu cải tổ thế giới khó đạt được do còn quá nhiều bất đồng...

Tàu khu trục tên lửa Mỹ USS Preble. Ảnh: Hải quân Mỹ

Hội nghị năm nay quy tụ khoảng 40 nhà lãnh đạo các nước và hơn 100 nhân vật có uy tín trong giới chính trị và an ninh thế giới. Hội nghị sẽ thảo luận một loạt vấn đề từ sự cạnh tranh và hợp tác giữa các cường quốc, tương lai của Liên minh châu Âu (EU), các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và các vấn đề khác. Một nội dung cũng rất được quan tâm là vấn đề kiểm soát vũ khí trong bối cảnh Mỹ và Nga đều đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Từng được xem là một trong những xuất phát điểm của Hội nghị An ninh Munich được tổ chức lần đầu vào năm 1963, quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đang đứng trước thử thách lớn, có thể dẫn đến những thay đổi căn bản về quan hệ thương mại và quốc phòng - an ninh.

Tại ngày họp đầu tiên, các nước châu Âu đã có câu trả lời mạnh mẽ gửi đến Mỹ, một ngày sau khi Phó Tổng thống Mike Pence yêu cầu những nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân do vai trò gây bất ổn của Iran tại Trung Đông.

Tuy nhiên, Đức, cùng với Anh, Pháp và toàn bộ Liên minh châu Âu vẫn luôn tìm kiếm một phương cách nhằm đảm bảo Iran tiếp tục ở lại thỏa thuận hạt nhân. Mục đích của những nước này vẫn là đảm bảo một Iran không có vũ khí hạt nhân. Nếu không có thỏa thuận này, khu vực này sẽ không còn an toàn nữa và thậm chí có thể tiến thêm một bước tới nguy cơ đối đầu công khai.

Iran chỉ là một trong số rất nhiều những vấn đề gây chia rẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương thời gian qua, nhất là dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, với chính sách “nước Mỹ trên hết”.

Tại hội nghị, Trung Quốc và Mỹ cũng đã đấu khẩu về Công ty Huawei và Biển Đông. Trong bài phát biểu kéo dài gần 30 phút, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hối thúc các lãnh đạo chính trị tại hội nghị loại bỏ tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc.

Liên minh tình báo Five Eyes (Ngũ Nhãn) - bao gồm Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand, cùng với Nhật Bản đều đã loại bỏ hoặc đang có kế hoạch cấm Huawei tham gia xây dựng hạ tầng mạng lưới di động 5G ở nước mình.

Diễn biến này đang đè nặng áp lực lên công ty viễn thông lớn nhất thế giới của Trung Quốc. Các nước khác, chẳng hạn như Đức, cũng đang tham vấn các công ty viễn thông trước khi quyết định “cấm cửa” Huawei.

Về phần mình, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì nói tại hội nghị rằng Bắc Kinh muốn tăng cường hợp tác với Washington, nhưng ông cũng lên tiếng chỉ trích về chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, đồng thời ông bày tỏ sự phản đối với các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.

Phản ứng này được đưa ra khi mới đây 2 tàu khu trục USS Spruance và USS Preble của Mỹ đã “triển khai các chiến dịch tự do hàng hải trên Biển Đông”. Phát ngôn viên Hạm đội 7 Joe Keiley nói rằng cuộc tuần tra này được thực hiện “nhằm thách thức những đòi hỏi chủ quyền trên biển quá mức và duy trì khả năng tiếp cận các tuyến hàng hải như quy định của luật quốc tế”. Hồi tháng rồi, Đô đốc John Richardson, người đứng đầu các chiến dịch hải quân của Mỹ, đã tuyên bố Washington không loại trừ khả năng đưa tàu sân bay đi qua eo biển Đài Loan.

Theo The South China Morning Post (Hồng Kông), tại hội nghị ở Munich, ông Pence còn thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Washington vốn đang được Australia và Nhật hưởng ứng; trong khi ông Dương Khiết Trì tìm cách nêu bật Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh đang mang lại thịnh vượng chung cho thế giới.

Theo Chủ tịch Hội nghị an ninh Wolfgang Ischinger, thế giới hiện không chỉ trải qua một loạt các cuộc khủng hoảng lớn, nhỏ, mà còn phải đối mặt với một sự chuyển hướng lịch sử. Các nước cần tăng cường xây dựng lòng tin và tin tưởng lẫn nhau, thay vì “nói về nhau”, hãy “nói với nhau”.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>