Nhiều khả năng Iran tái phát triển chương trình hạt nhân

08/11/2017 | 07:55 GMT+7

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần lên tiếng sẽ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) thì Tehran cũng có những phản ứng đáp trả mạnh mẽ làm cho căng thẳng càng thêm gia tăng.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Nguồn: AFP/TTXVN

“Giọt nước làm tràn ly” chính là gần đây, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) với cáo buộc lực lượng này hỗ trợ các tổ chức khủng bố ở Trung Đông. Theo đó, Mỹ cáo buộc IRGC đã cung cấp hỗ trợ cho một số nhóm khủng bố, trong đó có Hezbollah và Hamas, cũng như Taliban. Ngoài ra, bộ trên cũng trừng phạt 4 thực thể, trong đó 3 tại Iran và 1 tại Trung Quốc, liên quan đến tổ chức khủng bố.

Trong khi đó, quân đội Mỹ cho biết đang xác định các lĩnh vực mới để có thể hợp tác với các đồng minh nhằm gây áp lực đối với Iran, theo chiến lược mới của Tổng thống Donald Trump. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định mục tiêu đầu tiên của ông sẽ là thảo luận với các đồng minh tại châu Âu, Trung Đông và những nơi khác nhằm đạt được nhận thức chung về hành động đối với Iran. Quân đội Mỹ trước nay vẫn chỉ trích Iran tìm cách làm suy yếu Mỹ và các đồng minh tại Iraq, Syria và Yemen.

Đáng quan ngại là nhiều lần ông Trump tuyên bố sẽ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1 được ký hồi tháng 7-2015 có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Đổi lại, các quốc gia liên quan sẽ từng bước dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Mặc dù đã hơn hai năm qua, Tehran tuân thủ đầy đủ những thỏa thuận trên. Điều này đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) 8 lần xác nhận Iran tuân thủ đầy đủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, song Tổng thống Trump vẫn từ chối xác nhận Iran tuân thủ JCPAO. Từ đó, Mỹ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt liên quan trực tiếp tới chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran, đặc biệt trong bối cảnh Tehran gần đây đã tiến hành một số vụ thử tên lửa đạn đạo.

Về phần mình, Iran bác bỏ những cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran là mối đe dọa với thế giới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi khẳng định, Tehran sẽ theo đuổi một cách nghiêm túc và thúc đẩy năng lực quốc phòng và an ninh của nước này. Đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả lại các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên IRGC và nhấn mạnh bất kỳ động thái nào nhằm chống lại các lực lượng vũ trang Iran, trong đó có IRGC, sẽ vấp phải những phản ứng mạnh mẽ của Tehran.

Trong một động thái liên quan, Báo Tehran Times của Iran mới đây đưa tin, Giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi tuyên bố rằng nước này có thể làm giàu urani ở mức độ tinh khiết 20% trong vòng 4 ngày tại Nhà máy nguyên tử Fordow nếu Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân mà Iran đạt được với Nhóm P5+1. Tuy nhiên, nhà vật lý hạt nhân của Iran này cũng bày tỏ hy vọng thỏa thuận hạt nhân này sẽ được bảo vệ. Điều này cho thấy nếu JCPOA bị hủy bỏ thì trong thời gian ngắn Iran sẽ khôi phục và nhanh chóng phát triển chương trình hạt nhân. Đây là nỗi lo chung của cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, JCPOA là một thỏa thuận quốc tế đa phương và sự tồn tại của nó có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình khu vực và quốc tế. Trong đó, Nga giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân lịch sử cũng như thực thi các cam kết của tất cả các bên liên quan.

Về vấn đề này, Tổng thống Nga Putin khẳng định, JCPOA là một thỏa thuận quan trọng, góp phần giúp bảo vệ an ninh và hòa bình quốc tế. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng, JCPOA không liên quan đến các vấn đề về chương trình tên lửa và quốc phòng của Iran. Matxcơva cũng lên tiếng lo ngại hành động bất trắc của Mỹ sẽ phá vỡ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Điều này sẽ gây ra hậu quả khó lường nên Nga kiên quyết bảo vệ thỏa thuận trên.

Việc Mỹ đơn phương tuyên bố sẽ hủy bỏ JCPOA đã làm cho giới phân tích lo ngại Iran sẽ quay lại phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó với Mỹ. Nếu tình huống xấu này xảy ra thì tương lai Iran sẽ giống như Triều Tiên và hậu quả của nó thật khó đoán.

Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei khẳng định Mỹ là “kẻ thù số 1” của nước này, và Tehran sẽ không bao giờ nhượng bộ trước sức ép của Washington liên quan tới thỏa thuận hạt nhân đa quốc gia.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>