Nhiều nước ở Đông Nam Á bị khói mù bủa vây

24/09/2019 | 08:17 GMT+7

Khói mù là một hiện tượng trong khí quyển - nơi bụi mịn, khói, hơi và các phần tử khô trong không khí làm lu mờ bầu trời và ảnh hưởng đến chất lượng không khí do hậu quả của cháy rừng và các chất gây ô nhiễm.

Chất lượng không khí của thành phố Pekanbaru, Indonesia xuống mức thấp kỷ lục vào ngày 22-9 vì tình trạng ô nhiễm khói mù do cháy rừng gia tăng. Ảnh: STRAITS TIMES

Tại Indonesia, chỉ số tiêu chuẩn chất ô nhiễm (PSI) bụi mịn PM10 ở Pekenbaru đã vượt ngưỡng 700, cao hơn mức cao nhất đo được trong đợt khói mù tồi tệ nhất ở nước này hồi năm 2015. Chỉ số này đã giảm xuống mức 489 vào lúc 7 giờ (giờ địa phương) ngày 23-9.

Bị bao phủ bởi khói mù dày đặc xuất phát từ các đám cháy rừng ở 2 tỉnh lân cận Jambi và Nam Sumatra, tỉnh Riau, buộc phải đóng cửa trường học suốt tuần rồi và sẽ tiếp tục trong tuần này.

Người phát ngôn Cơ quan kiểm soát không lưu Indonesia, ông Yohanes Harry Douglas cho biết nhiều chuyến bay đến sân bay quốc tế Sultan Syarif Kasim II ở Pekanbaru hôm 22-9 đã bị hủy hoặc chuyển hướng vì khói bụi dày đặc làm hạn chế tầm nhìn. Hoạt động bay được nối lại bình thường vào chiều cùng ngày sau khi tầm nhìn được cải thiện mặc dù vẫn dưới mức quy định tối thiểu 1.000m để máy bay hạ cánh. Trong khi đó, nhiều chuyến bay đi từ thành phố Ipoh, Malaysia đến Singapore cũng đã bị hủy vào sáng ngày 22-9 vì tầm nhìn kém.

Số liệu mới nhất của Bộ Y tế Indonesia cuối tuần rồi cho biết gần 900.000 người dân nước này bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do ảnh hưởng của khói mù từ các vụ cháy rừng và than bùn bao phủ nhiều khu vực trên các đảo Borneo và Sumatra trong vài tháng qua. Cháy rừng và than bùn xảy ra thường xuyên ở Indonesia, nhất là trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 10, chủ yếu do các hoạt động canh tác nương rẫy.

Bộ trưởng Môi trường Indonesia hôm thứ sáu nói rằng một số vụ cháy rừng xảy ra trên lãnh thổ của Indonesia bắt nguồn từ phần đất do các công ty Malaysia thuê sử dụng. Trong khi đó, các nước láng giềng của Indonesia là Malaysia và Singapore đang lên án các đám cháy rừng gây ra tình trạng ô nhiễm khói mù trong khu vực.

Hiện tại Indonesia vẫn chưa sẵn lòng chấp nhận lời đề nghị giúp đỡ từ các nước láng giềng. Trong bài xã luận đăng ngày 21-9, báo Jakarta Post đặt dấu hỏi về cam kết của Indonesia đối với Hiệp định ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, trong đó có nêu khuôn khổ giải quyết vấn đề này.

Khói mù đã ảnh hưởng đến chất lượng không khí không chỉ ở Indonesia mà cả ở Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines. Tại Thái Lan, thành phố Hat Yai thuộc tỉnh Songkhla hôm 22-9 đã hứng chịu đám khói mù dày đặc nhất kể từ khi xảy ra khủng hoảng cháy rừng ở Indonesia trong năm nay. Cùng ngày, chất lượng không khí ở Singapore quay trở lại mức không tốt cho sức khỏe khiến bầu trời u ám vì khói mù.

Tại Malaysia, nhà chức trách giáo dục bang Selangor thông báo 57 trường học ở các quận Kuala Langat và Klang bị đóng cửa trong ngày 23-9 do chất lượng không khí kém. Trước đó, khói mù đã buộc hàng ngàn trường học ở nước này lâm vào cảnh tương tự trong lúc hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ.

Khói mù cũng đã được phát hiện ở miền Trung và miền Nam Philippines hôm 20-9. Cơ quan Môi trường, Tài nguyên và Năng lượng Khu tự trị Bangsamoro trên đảo Mindanao đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng khói mù xuyên biên giới cho các địa phương thuộc khu vực này. Người dân nước này được khuyến cáo đeo khẩu trang bất cứ khi nào ra khỏi nhà, vì khói mù có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe như ho, hen suyễn và các bệnh về đường hô hấp khác.

Nạn đốt rừng làm rẫy đã khiến cháy rừng trở thành hiện tượng thường niên ở Indonesia, đặc biệt là vào thời điểm khô hạn trong năm. Dữ liệu quan sát của Trung tâm Khí hậu, Khí tượng và Địa vật lý Indonesia (BMKG) ngày 14-9 đã phát hiện 1.231 điểm cháy rừng trên đảo Sumatra, 1.865 điểm cháy rừng trên đảo Kalimantan thuộc Indonesia, 412 điểm cháy rừng trên đảo Kalimantan thuộc Malaysia và 216 điểm cháy rừng ở Serawak và Sabah, Malaysia.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>