Nhiều quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar

07/06/2017 | 07:58 GMT+7

Nhiều quốc gia trên thế giới đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar với cáo buộc quốc gia này ủng hộ chủ nghĩa cực đoan.

Hàng loạt quốc gia Trung Đông cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Ảnh minh họa: Sputnik

Mới đây, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập, Libya, Yemen và Cộng hòa Maldives đã đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc nước này “bắt tay” với khủng bố. UAE đưa ra quyết định trên sau khi cáo buộc Qatar “gây ra sự bất ổn cho an ninh của khu vực”. Cụ thể, chính quyền UAE cho rằng, Qatar đã hỗ trợ, tài trợ và “bắt tay” với các tổ chức khủng bố, các tổ chức Hồi giáo cực đoan. UAE gia hạn cho các nhà ngoại giao Qatar 48 giờ để thu dọn hành lý rời khỏi đất nước. Theo đó, Saudi Arabia cho biết nước này đã cắt toàn bộ sự kết nối với Qatar qua đường hàng không và đường biển. Ngoài ra, liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu hoạt động ở Yemen cũng đã loại bỏ Qatar ra khỏi “đội hình” với lý do Qatar hỗ trợ tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Chính phủ Saudi Arabia tuyên bố việc phong tỏa quan hệ ngoại giao với Qatar là cần thiết để bảo vệ vương quốc này khỏi khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Nước này cũng rút tất cả quân đội trong lực lượng liên quân với Qatar khỏi cuộc chiến đang diễn ra tại Yemen.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Bahrain đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 5-6 rằng họ sẽ rút phái đoàn ngoại giao ở thủ đô Doha của Qatar trong vòng 48 giờ và tất cả các nhà ngoại giao Qatar sẽ phải rời khỏi Bahrain cùng thời điểm. Tuyên bố của bộ trên nói các công dân Qatar cần rời khỏi Bahrain trong vòng hai tuần và rằng đường hàng không và đường biển giữa hai nước sẽ bị ngưng. Hiện chưa rõ lệnh đóng cửa biên giới trên của Bahrain ảnh hưởng thế nào đến Qatar Airways, một trong những hãng hàng không có số lượng chuyến bay lớn trong khu vực. Bahrain đổ lỗi cho Qatar kích động truyền thông và ủng hộ các hoạt động khủng bố cùng các nhóm hỗ trợ tài chính liên quan tới Iran và can thiệp nội bộ Bahrain.

Từ Cairo, Bộ Ngoại giao Ai Cập, cho biết: “Chính phủ Cộng hòa Arab Ai Cập đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì sự thù địch liên tục mà chính quyền Qatar duy trì đối với Ai Cập”.

Thực tế, trong năm 2014, các quốc gia thuộc tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) cũng đã cắt đứt quan hệ với Qatar nhưng 8 tháng sau đó đã nối lại quan hệ. Tuy nhiên, lần này nhiều quốc gia tuyên bố cắt đứt quan hệ với Doha trên nhiều lĩnh vực và khá cương quyết nên rất khó lập lại kịch bản cũ trong thời gian ngắn.

Về phần mình, Qatar kịch liệt phản đối những tuyên bố trên, đồng thời trấn an người dân là những quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao của các nước sẽ không có tác động lớn đến sự phát triển của đất nước và cuộc sống của người dân. Bộ Ngoại giao Qatar cho rằng quyết định nói trên của các quốc gia Vùng vịnh là “vô lý” và dựa trên những cáo buộc “vô căn cứ”, đồng thời bày tỏ “lấy làm tiếc” vì các quyết định này.

Dư luận cho rằng, để giải quyết mối bất hòa này, các quốc gia vùng Vịnh cần có sự thay đổi quan điểm về chính sách đối ngoại và tạo niềm tin giữa các thành viên với nhau. Điều này đồng nghĩa với việc Doha phải đáp ứng các điều khoản như: dừng hành động can thiệp vào công việc nội bộ ở các quốc gia vùng Vịnh và Ả Rập; ngừng việc kích động bằng các phương tiện truyền thông; không nhập tịch thêm bất cứ công dân nào ở các quốc gia vùng Vịnh khác; không chống lại các chính sách của Ai Cập; ngừng hỗ trợ nhóm “Anh em Hồi giáo”; trục xuất những cá nhân thể hiện quan điểm thù địch chống lại các quốc gia thành viên GCC.

Khủng hoảng ngoại giao Qatar được coi là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh kể từ khi thành lập vào năm 1981. Những căng thẳng trong quan hệ giữa Qatar và các nước Arab khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu có xảy ra cuộc chiến mới ở Trung Đông. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao không có nghĩa là sự bùng nổ của chiến tranh. Chính phủ Qatar hôm 6-6 kêu gọi “một cuộc đối thoại cởi mở và thẳng thắn” nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao với các đồng minh khu vực, đặc biệt trong đó có Saudi Arabia.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>