Nhiều quốc gia điều tàu chiến tới Biển Đông đối phó Trung Quốc

06/06/2018 | 08:05 GMT+7

Việc Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông đã làm Mỹ và các quốc gia đồng minh tăng cường sự hiện diện nhằm đối phó với Bắc Kinh.

Trong tuyên bố mới đây, các Bộ trưởng Quốc phòng của Anh và Pháp đều khẳng định sẽ điều tàu chiến tới Biển Đông nhằm đối phó với mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson xác nhận London sẽ điều 3 tàu chiến tới Biển Đông để phản đối ảnh hưởng “không có lợi”, bảo vệ trật tự và truyền tải thông điệp rằng các nước cần phải “tuân thủ theo luật lệ”.

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết nước này sẽ cử một nhóm công tác hàng hải đi cùng trực thăng và tàu biển của Anh ghé thăm Singapore vào tuần tới, sau đó “tiến vào một số khu vực ở Biển Đông”. Dù không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng bà Parly dường như nhấn mạnh tàu Anh và Pháp sẽ đi qua vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trái phép, đồng thời tưởng tượng một cuộc chạm trán xảy ra với quân đội Trung Quốc. Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cho biết bằng cách thực thi hoạt động tự do hàng hải với các đồng minh và bạn bè, Paris đã góp phần vào việc thiết lập trật tự dựa trên những quy tắc ở Biển Đông, đặt mình vào vị trí phản đối tuyên bố chủ quyền phi pháp trên các đảo ở vùng biển này. Ngoài ra, châu Âu đã thể hiện sự ủng hộ khi các nhà quan sát của Đức cũng có mặt trên tàu chiến Anh và Pháp tới Biển Đông.

Mỹ sẽ điều thêm nhiều tàu chiến để gia tăng áp lực với Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: AP

Trước đó, Mỹ cũng lên tiếng yêu cầu các đồng minh và đối tác trên toàn cầu tăng cường triển khai các tàu Hải quân của mình đi qua Biển Đông, vùng biển có ý nghĩa chiến lược hiện đang bị Trung Quốc tìm cách khống chế thông qua việc tăng cường năng lực quân sự trên các đảo và bãi đá mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Washington cũng đã tuyên bố sẽ tăng cường các cuộc tuần tra hải quân ở Biển Đông để đối phó với việc Trung Quốc gia tăng quá trình quân sự hóa khu vực lấn chiếm trái phép. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết, Bắc Kinh sẽ phải hứng chịu những hậu quả nặng hơn nếu tiếp tục quân sự hóa Biển Đông. Theo đó, hồi cuối tháng 5, 2 tàu chiến Mỹ là tuần dương hạm Antietam và khu trục hạm Higgins của Hải quân Mỹ vừa tiến vào khu vực 12 hải lý quanh một loạt đảo ở Biển Đông gồm Đảo Cây, Đảo Lincon, Đảo Tri Tôn và Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông. Đồng thời, Washington cho rằng đây chỉ là sự khởi đầu cho một kế hoạch có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Trung tá Christopher Logan tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác và đồng minh để đảm bảo duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis thừa nhận, việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông giờ đã trở thành “một thực tế”. Bởi lẽ, tháng 5 vừa qua, Trung Quốc điều máy bay ném bom hạ cánh xuống đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) để tham gia một đợt diễn tập quân sự. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã chuyển các tên lửa phòng không, đối hạm, và tên lửa hành trình ra đảo này và nhiều căn cứ quân sự khác mà nước này thiết lập trái phép ở quần đảo Trường Sa. Ông Mattis nhấn mạnh: “Dù Trung Quốc nói gì đi chăng nữa, việc triển khai các loại vũ khí nói trên là trực tiếp phục vụ mục tích quân sự cũng như để đe dọa và o ép các nước khác”.

Đáp lại, Trung tướng Hà Lôi, Phó Chủ tịch Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc, ngang nhiên cho rằng, Bắc Kinh hoàn toàn có quyền tiếp tục chiến lược quân sự hóa Biển Đông, đồng thời khẳng định: “Chúng tôi coi việc một số nước cố tình lên tiếng về việc này là can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi”.

Các chuyên gia quân sự trong khu vực cho biết, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ điều các chiến đấu cơ ra quần đảo Trường Sa hoặc sẽ thiết lập Vùng nhận diện Phòng không (ADIZ) như nước này từng làm ở biển Hoa Đông năm 2013 bất chấp sự phản đối của hầu hết các nước trong khu vực và Mỹ.

Chuyên gia an ninh Tim Huxley cho biết, sức ép ngày một gia tăng trên bình diện quốc tế chỉ có thể làm chậm chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn mưu đồ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc: “Đây là một thực tế mà Trung Quốc đã tạo ra và sẽ rất khó khiến cho nước này thay đổi ý đồ của mình. Họ làm điều này không phải để chọc tức Mỹ và các nước láng giềng mà để phục vụ chiến lược lâu dài của họ”.

HN tổng hợp 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>