Những “bóng ma” IS ám ảnh châu Âu

20/11/2019 | 07:01 GMT+7

Việc Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Trung Đông quyết định trao trả những chiến binh IS hồi hương đã làm cho nhiều quốc gia liên quan hoang mang, lo lắng.

Các đối tượng được cho là thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại một nhà tù ở thành phố Hasakeh, miền Đông Bắc Syria ngày 26-10-2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Catakli cho biết từ ngày 14-1, cơ quan chức năng nước này sẽ tiến hành các thủ tục hồi hương 1 tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là công dân Mỹ và 7 công dân Đức. Những tù nhân trên đang được giam giữ trong các nhà tù hoặc trung tâm di trú của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc làm này là bước đi đầu tiên của lộ trình trao trả tù nhân IS hồi hương được Ankara hoạch định từ lâu. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trước đó cho biết, có 1.201 tù nhân IS trong các nhà tù của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có 287 phiến quân mà quân đội nước này bắt giữ ở Syria.

Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ luôn chỉ trích các nước phương Tây từ chối hồi hương công dân từng đứng trong hàng ngũ của IS tại Syria và Iraq bằng cách tước quốc tịch của những phần tử này. Theo đó, Anh đã tước quốc tịch của hơn 100 công dân tham gia các nhóm thánh chiến ở nước ngoài. Hiện chưa rõ liệu Ankara có hồi hương được các phần tử nói trên hay không, tuy nhiên việc này cũng vấp phải muôn vàn khó khăn.

Thực tế, vấn đề hồi hương các phần tử thánh chiến IS nước ngoài, chủ yếu là  công dân châu Âu, đã được bàn thảo hơn 1 năm nay kể từ khi liên minh quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu tuyên bố “xóa sổ” tổ chức khủng bố này tại khu vực Trung Đông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không ít lần hối thúc các đồng minh châu Âu (đặc biệt là Anh, Pháp và Đức) cho hồi hương những công dân nước mình tham gia IS hiện bị giam giữ tại Syria hay Iraq, thậm chí đe dọa Washington “buộc phải thả những tay súng này nếu châu Âu không tiếp nhận”.

Các nước Trung Đông cũng kêu gọi những quốc gia có liên quan phải cùng “gánh vác trách nhiệm”, bởi các tay súng thánh chiến nước ngoài vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các quốc gia giam giữ. Tuy nhiên, dường như các quốc gia có công dân tham gia IS ở Trung Đông, đặc biệt là các nước châu Âu, vẫn lờ đi không muốn cho phép số người này hồi hương.

Chuyên gia Lorenzo Vidino thuộc Đại học George Washington, Mỹ  nhận định việc châu Âu từ chối hồi hương nhóm thánh chiến IS xuất phát từ lo ngại về an ninh. Bởi lẽ, một khi hồi hương các tay súng IS về châu Âu, việc kết tội những đối tượng này để tiếp tục giam giữ sẽ gặp khó khăn về pháp lý bởi họ phạm tội ở nước ngoài, khó tìm đủ bằng chứng để truy tố.

Bản thân Tổng thống Mỹ từng tuyên bố nếu được thả ra, các tay súng IS “sẽ lại gây ra nhiều tai ương trên toàn cầu”. Các chuyên gia từng cảnh báo việc liên minh quốc tế giành lại kiểm soát phần lãnh thổ IS chiếm giữ tại Syria không đồng nghĩa với việc chấm dứt các tư tưởng cực đoan và nguy cơ đe dọa khủng bố của tổ chức này. Bởi vậy, tìm ra phương án để các tay súng IS được hồi hương sẽ không thể gây ra các hành động tấn công khủng bố sau khi hồi hương, thực sự là thách thức lớn.

Giới phân tích nhận định, ngoài kỳ thị của người dân các nước sở tại với tù binh IS đã gây trở ngại lớn trong quá trình hòa nhập cộng đồng của những phần tử này. Mặt khác, tư tưởng cực đoan của những tù binh này không thể xóa bỏ trong ngày một ngày hai nên khó hoàn lương. Cuối cùng là những đồng bọn của những phần tử thánh chiến này chắc chắn sẽ tìm mọi cách để giải cứu bọn chúng ra khỏi nhà tù, gây ra nhiều bất ổn về an ninh trật tự. Điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro cho các quốc gia liên quan. Bởi vậy, những bóng ma IS sau cuộc chiến vẫn cứ ám ảnh nhiều quốc gia châu Âu.

Theo số liệu của tổ chức The Soufan (Mỹ), hiện có trên 1.000 tù nhân IS người châu Âu đang bị giam giữ tại các nhà tù do người Kurd kiểm soát tại Đông Bắc Syria, bên cạnh 1.500 người là thân nhân của những phần tử cực đoan này. Tuy nhiên, con số này chỉ là một phần nhỏ trong tổng số 6.000 người châu Âu đã rời bỏ quê hương đến tham gia thánh chiến ở Syria sau khi IS tuyên bố thành lập cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” tại Mosul, Iraq hồi năm 2014.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích