Nội các Anh khủng hoảng với đề xuất “Brexit mềm”

20/07/2018 | 07:36 GMT+7

Tám thành viên chính phủ đã từ chức kể từ khi Thủ tướng Anh Theresa May đề xuất kế hoạch “Brexit mềm”. Con số này sẽ tăng lên trong thời gian tới vì còn nhiều người bất đồng trong nội bộ nước Anh.

Nội các Anh tiếp tục khủng hoảng sau đề xuất “Brexit mềm” của Thủ tướng Anh. Nguồn: Getty Images

Kế hoạch Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit theo hướng nhượng bộ EU mà Hạ viện vừa thông qua đã làm cho nhiều thành viên trong Nội các Anh phản ứng trái chiều. Mới đây nhất, ông Robert Courts, một nghị sĩ thân tín với thủ tướng, đã quyết định từ chức khỏi vị trí Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh. Ông Courts lý giải rằng ông cảm thấy “không còn là chính mình” khi bị buộc phải bảo vệ cho kế hoạch “Brexit mềm” của Thủ tướng May. Quyết định này của ông Courts là nhằm bày tỏ sự bất mãn với việc bỏ phiếu về kế hoạch Brexit tại Hạ viện Anh. Ông nhấn mạnh, không thể ủng hộ các đề xuất hiện nay của Thủ tướng Anh dù văn bản này trước đó đã được Nội các Anh nhất trí tại cuộc họp ở Chequers hồi tuần trước.

Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, người vừa từ chức hồi tuần trước đã kêu gọi Quốc hội nước này cân nhắc lại chiến lược và cho rằng Anh sẽ không bao giờ có cơ hội để sửa chữa sai lầm. Ông Johnson nêu rõ: “Vẫn chưa quá muộn để cứu Brexit. Chúng ta có thời gian trong các cuộc đàm phán, chúng ta đã từng thay đổi chiến thuật một lần và chúng ta có thể thay đổi lần nữa”.

Như vậy chỉ chưa tới 2 tuần, đã có 8 thành viên Nội các Anh xin từ chức. Tác nhân chính dẫn đến việc hàng loạt các quan chức Anh xin từ chức là do tối 16-7 vừa qua, Hạ viện Anh đã thông qua dự luật Thuế quan do Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đệ trình. Trong số các điều chỉnh, đáng chú ý có điều khoản Anh sẽ không thu thuế cho EU sau Brexit, trừ phi có sự dàn xếp đối ứng. Dự kiến, dự luật này sẽ được chuyển lên Thượng viện Anh để thông qua trước khi chính thức trở thành luật.

Trước bối cảnh rối ren này, Thủ tướng Anh Theresa May đã cảnh báo đảng Bảo thủ cầm quyền rằng sẽ không có thỏa thuận Brexit nào nếu các nghị sĩ Anh tiếp tục phá hỏng kế hoạch “Brexit mềm” của bà về việc duy trì các mối quan hệ kinh tế bền vững với EU hậu Brexit. Bà May nhấn mạnh, nước Anh có nguy cơ kết thúc tiến trình đàm phán mà không có thỏa thuận Brexit nào. Nhà lãnh đạo Anh cho rằng đây là thời điểm thực tế và thực dụng cho sự hậu thuẫn kế hoạch để đưa Anh chính thức rời khỏi EU vào ngày 29-3-2019.

Bà May cũng đe dọa các nghị sĩ nổi loạn trong đảng Bảo thủ về khả năng diễn ra một cuộc tổng tuyển cử vào mùa Hè này, nếu họ khiến kế hoạch thuế quan thất bại trong tiến trình Brexit.

Giới quan sát nhận định, bằng việc cảnh báo tiến trình Brexit đang trong nguy hiểm, bà Theresa May đang gửi đi thông điệp thẳng thắn tới phe ủng hộ Brexit “cứng” trong chính phủ rằng nếu tiếp tục gây khó dễ cho bà, họ có thể bỏ phí chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề Brexit hồi năm 2016 mà họ đã nỗ lực thúc đẩy.

Thực tế, những tác động tích cực của Brexit vẫn chưa thấy, trong khi đó những khó khăn thì đã được phơi bày rõ ràng hơn bao giờ hết khi nội bộ Anh bị chia rẽ sâu sắc. Brexit đang làm lung lay hai trụ cột cơ bản trong chính sách đối ngoại của nước Anh là quan hệ với Mỹ và châu Âu. Điều đáng lưu ý là “cây cầu” nối với châu Âu đã bị đốt sau khi Anh quyết định Brexit, người Anh không khỏi lo lắng khi nhận ra rằng viễn cảnh “xứ sở Sương mù” trở nên đơn độc trong thế giới hậu Brexit không phải là điều gì đó quá xa vời.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>