Nỗi lo rác thải y tế

05/05/2020 | 07:28 GMT+7

Trong lúc cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 diễn ra quyết liệt trên phạm vi toàn cầu, các nước cũng phải đối mặt với vấn đề nan giải là làm sao để xử lý lượng rác thải y tế nhiều hơn bao giờ hết.

Rác thải y tế tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc lúc cao điểm dịch Covid-19. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Chưa có con số chính xác tổng lượng chất thải y tế trên toàn cầu từ khi Covid-19 trở thành đại dịch, nhưng thông tin từ các quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy sự gia tăng chóng mặt so với trước đó.

Theo tờ The Verge, chỉ tính riêng tại Vũ Hán (Trung Quốc) - nơi khởi phát dịch bệnh - lượng rác thải y tế tại các bệnh viện đã tăng gấp 6 lần so với trước khi khủng hoảng xảy ra, ước tính mỗi ngày có tới 240 tấn rác. Đó chỉ là con số tại các bệnh viện ở một thành phố 11 triệu dân của Trung Quốc.

Không chỉ rác thải từ bệnh viện, khi dịch bệnh đã lây nhiễm trong cộng đồng thì rác do người dân thải ra cũng có thể trở thành chất thải y tế lây nhiễm. Công việc xử lý sẽ còn gian nan hơn vì rác từ nhiều nguồn và những người tiếp xúc cũng tăng lên.

Covid-19 còn quá nhiều bí ẩn nên không ai dám chắc những chiếc khẩu trang, khăn giấy, găng tay hay quần áo bảo hộ đã qua sử dụng có mang theo mầm bệnh hay không. Chỉ biết rằng việc thu gom rác vẫn phải diễn ra và nhiều người không được trang bị thiết bị bảo hộ để làm công việc đó.

Đơn cử tại Ấn Độ, khoảng 1,5-4 triệu người thu gom rác khắp nước này và nhiều người trong số họ có thể đứng trước nguy cơ lây nhiễm, theo tờ South China Morning Post. Khi họ trở về nhà và mang mầm bệnh mà không hay biết, không loại trừ khả năng họ cũng có thể lây nhiễm cho những người tiếp xúc, dẫn đến nhiều lo ngại hơn.

Bên cạnh đó, việc xử lý thiếu triệt để rác thải y tế liên quan đến Covid-19 cũng rất đáng báo động. Đã có những ghi nhận về việc nhân viên y tế tại các bệnh viện ở New York (Mỹ) bỏ trang thiết bị bảo hộ vừa sử dụng xong vào thùng rác công cộng sau khi vận chuyển thi thể nạn nhân tử vong vì Covid-19, theo Đài France 24. Rác thải này nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách sẽ gây ra những mối nguy cho sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, rác từ các cá nhân, gia đình như đã nêu trên dù có thể mang mầm bệnh nhưng nếu chỉ được xem là rác thải thông thường mà không được xử lý như chất thải y tế cũng sẽ rất đáng lo.

Thời gian qua, nhiều quốc gia, tổ chức đã đánh giá được tình trạng trên và đưa ra các giải pháp đối phó. Ví dụ, các cơ quan của Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 4 đã ban hành hướng dẫn quản lý rác thải trong khủng hoảng Covid-19. Theo đó, EU nêu rõ cách xử lý rác thải y tế cũng như yêu cầu biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân lực làm việc trong lĩnh vực liên quan. Tại Ấn Độ, các hướng dẫn về việc xử lý rác thải trong quá trình điều trị cách ly những bệnh nhân dương tính và các cas nghi nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 cũng được triển khai. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh cùng chính quyền các tiểu bang Mỹ cũng đưa ra những quy định về tiêu hủy rác thải y tế…

Tuy nhiên, để giải quyết được bài toán này không phải chuyện dễ dàng. Không phải ở đâu cũng đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt ấy. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người tham gia xử lý loại rác thải này cần được trang bị các thiết bị bảo hộ đầy đủ như ủng, quần áo dài tay, khẩu trang, tấm che mặt hoặc kính bảo hộ và găng tay đủ dày khi làm việc. Các đơn vị cũng cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe nhân viên của mình để đảm bảo an toàn lao động.

Đại dịch Covid-19 còn kéo dài và khó lường, vì thế nếu không xử lý tốt vấn đề rác thải y tế, một làn sóng khủng hoảng mới có thể kéo đến với sức khỏe cộng đồng và tác động rất lớn đến môi trường về lâu dài.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>