Ông Trump “nghịch” với truyền thông Mỹ

08/08/2018 | 09:14 GMT+7

Liên tục chỉ trích báo chí thông tin sai lệch, giả mạo... của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây hiềm khích với giới truyền thông Mỹ. Giới quan sát cho rằng, động thái này lợi ít hại nhiều.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 27-7. Ảnh: AFP/TTXVN

Gần đây nhất, một loạt dòng trạng thái trên mạng Twitter, ông Trump đã thẳng thừng: “Chính họ (ám chỉ giới truyền thông Mỹ) đã cố tình tạo ra sự chia rẽ và ngờ vực lớn. Họ thậm chí có thể gây ra chiến tranh” và là “kẻ thù của người dân Mỹ”.

Căng thẳng giữa Tổng thống Trump với giới truyền thông nước này đang ngày càng gia tăng, nhất là sau khi ông chủ Nhà Trắng tuyên bố một số cơ quan báo chí đã đưa “tin giả mạo”, khiến rất nhiều nhà báo Mỹ bất bình.

Ông Trump cũng chỉ trích những thông tin về chiến dịch do công tố viên đặc biệt Robert Mueller đứng đầu nhằm điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, và khả năng có sự cấu kết giữa nhóm phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Trump với Matxcơva là cáo buộc vô cớ. Cho tới nay cả ông Trump và Matxcơva đều bác bỏ cáo buộc trên.

Trong một diễn biến liên quan, trước đó cũng thông tin về báo cáo cho rằng ông Mueller đã thẩm vấn con trai lớn của Tổng thống Trump là Donald Trump Jr., liên quan vai trò của ông này trong việc sắp xếp cuộc gặp hồi tháng 6-2016 giữa nhóm chiến dịch tranh cử của ông Trump với một luật sư người Nga, để cung cấp thông tin bất lợi về đối thủ tranh cử lúc đó của ông Trump là bà Hilary Clinton.

Đề cập vấn đề này, Tổng thống Trump cho biết đó là một cuộc gặp để tìm hiểu thông tin về đối thủ tranh cử, hoàn toàn hợp pháp và thường diễn ra trong giới chính trị. Theo ông, cuộc gặp đó “chẳng đi tới đâu”.

Trước đó, Báo New York Times đã cảnh báo các tuyên bố gây hấn của ông Trump đối với truyền thông nước Mỹ là “nguy hiểm” và gây tổn hại cho đất nước, thậm chí sẽ kích động bạo lực. 

Lời cảnh báo trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Trump với chủ bút New York Times A.G. Sulzberger và biên tập viên cấp cao của New York Times James Bennet vào trung tuần tháng 7 vừa qua tại Nhà Trắng.

Cuộc gặp diễn ra và được giữ kín theo yêu cầu của Nhà Trắng, song dường như cuộc đối thoại giữa Tổng thống Trump và các thành viên lãnh đạo tờ New York Times không nhận được kết quả khả quan như mong đợi là nhằm giảm nhiệt mối quan hệ “căng như dây đàn” của hai bên.

Ông Sulzberger tuyên bố ông đã trao đổi thẳng thắn rằng ngôn từ của Tổng thống Trump không chỉ gây chia rẽ trong công chúng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ông bày tỏ quan ngại về việc Tổng thống Trump gắn mác “kẻ thù của người dân” cho giới truyền thông, đồng thời cảnh báo ngôn từ “kích động” này sẽ chỉ góp phần làm gia tăng các mối đe dọa đối với các nhà báo và sẽ làm bạo lực bùng phát. Ông Sulzberger còn cho rằng Tổng thống Trump cần để ý lời chỉ trích báo chí nói chung, vì điều này không có lợi cho đất nước.

Trước đó, ngày 25-7, phóng viên của kênh truyền hình CNN Kaitlan Collins đã buộc phải rời khỏi cuộc họp báo chung của Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Nhà Trắng khi nữ phóng viên này liên tục đưa ra câu hỏi mà giới chức Mỹ cho là “không phù hợp” liên quan đến cuộc hội đàm trước đó của hai nhà lãnh đạo này.

Chủ tịch Hiệp hội Phóng viên của Nhà Trắng Olivier Knox mô tả cách hành xử như trên đối với một phóng viên đang tác nghiệp (cô Collins) là không đúng đắn.

Cùng với tuyên bố rút khỏi các thỏa thuận quốc tế (TPP, chống biến đổi khí hậu, hạt nhân Iran, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc)… hay là tấn công vào các cơ chế quốc tế như NATO và G7, việc gây hiềm khích với giới truyền thông Mỹ và quốc tế của ông Trump sẽ dẫn đến nguy cơ xa lánh của cộng đồng quốc tế với ông Trump nói riêng và nước Mỹ nói chung. Đây thật sự là lợi ít hại nhiều.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>