Ông Trump tuyên bố rút khỏi WHO

01/06/2020 | 10:17 GMT+7

Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần qua tuyên bố, nước này chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), động thái sẽ tạo nhiều hệ lụy khó lường.

Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO. Nguồn: DW

Trước đó, từ giữa tháng 4, Tổng thống Trump đã yêu cầu Chính phủ Mỹ tạm ngừng tài trợ cho WHO, do cho rằng cách thức giải quyết đại dịch Covid-19 của tổ chức này chưa phù hợp. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cáo buộc WHO đã có mối quan hệ quá gần gũi với Trung Quốc. Chỉ 1 tháng sau đó, hôm 18-5, ngay trước thềm kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 73, Tổng thống Trump gửi tối hậu thư tới Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, cảnh báo Washington sẽ vĩnh viễn đóng băng nguồn tài trợ cho WHO và xem xét rút Mỹ ra khỏi tổ chức này, nếu WHO không cam kết tiến hành những cải thiện thực chất đáng kể trong vòng 30 ngày.

Theo trang mạng Politico, quyết định mới đây của Tổng thống Donald Trump đã nhận được sự hưởng ứng từ một số nhà lập pháp và các nhóm vận động có khuynh hướng bảo thủ, vốn không mấy tin tưởng vào các tổ chức quốc tế như WHO.

Ngược lại, giới chuyên gia y tế thì chỉ trích dữ dội. Theo các chuyên gia y tế, nước Mỹ hiện đang dựa vào quan hệ đối tác với WHO và các nước khác để chia sẻ những dữ liệu, thông tin quan trọng, bao gồm cách thức điều trị và phát triển vắc-xin phòng vi-rút SARS-CoV-2 cũng như các mối đe dọa khác như HIV và Ebola. Do đó, việc thiếu vắng sự hợp tác quốc tế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phản ứng của hệ thống y tế Mỹ đối với Cocid-19 và các dịch bệnh khác.

Các chuyên gia y tế toàn cầu cũng nhận định quyết định rời khỏi WHO của ông Trump là rất nguy hiểm. Ông Richard Horton - Tổng biên tập tạp chí y khoa Lancet (Anh) gọi đây là một quyết định điên rồ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong thời điểm thế giới đang phải đối mặt với đại dịch.

Theo thống kê, Mỹ hiện đứng đầu về mặt đóng góp tài chính cho WHO, với 893 triệu USD trong giai đoạn 2018-2019 (gần 3/4 là đóng góp tự nguyện). Sự đóng góp của Mỹ hiện chiếm tới gần 15% tổng số tiền đóng góp tự nguyện cho WHO trên toàn cầu. Do đó, quyết định chưa từng có tiền lệ của nhà lãnh đạo Mỹ được cho là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực phản ứng với dịch bệnh Covid-19, cũng như các mối đe dọa y tế khác của WHO.

Một câu hỏi khác được đặt ra, là quá trình đưa nước Mỹ rút khỏi WHO liệu có dễ dàng? Tổng thống Trump không cung cấp thông tin chi tiết, nhưng theo các chuyên gia và giới lập pháp Mỹ, câu trả lời là không. Ông Larry Gostin, Giám đốc Viện nghiên cứu O’Neill về Luật Sức khỏe Quốc gia và Toàn cầu tại Đại học Georgetown cho biết chỉ khi đã được Quốc hội đồng ý trước và giao quyền lực, ông Trump mới có thể rút Mỹ khỏi WHO. Thậm chí Tổng thống Trump có thể bị Quốc hội kiện lên tòa án liên bang nếu tiếp tục thực hiện theo tuyên bố của mình. Tuy nhiên, ông vẫn sẽ thành công trong việc ngưng tài trợ của Mỹ cho WHO cho đến khi phán quyết của tòa được đưa ra.

Trang Politico cho biết, các Hạ nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Dân chủ đã phản ứng rằng Tổng thống Trump không có thẩm quyền để ngừng tài trợ cho WHO, đồng thời cáo buộc ông Trump đã nghiêm trọng hóa vấn đề của tổ chức này, để khiến dư luận khỏi chú ý đến những thiếu sót của Washington trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Trước đó, khi Tổng thống Trump tuyên bố đóng băng tạm thời nguồn tài trợ cho WHO, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng đã nói rằng sẽ ngăn chặn động thái này, dù chưa cho biết những bước đi cụ thể.

Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề đối ngoại Eliot Engel cho rằng: “WHO chỉ hoạt động mạnh mẽ nhờ các thành viên. Tổ chức này luôn đi theo những tiếng nói dẫn đầu. Nếu Tổng thống thực sự quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc với WHO, ông ấy nên tăng cường vai trò của Mỹ thay vì làm suy yếu tổ chức được trang bị tốt nhất để tạo ra một sự phản ứng toàn cầu thống nhất này”.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>