Quan hệ Nga – Mỹ: “Hợp tác sẽ tốt hơn đối đầu”

18/07/2018 | 08:11 GMT+7

Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ vừa kết thúc đã mở ra cánh cửa mới trong quan hệ hai nước theo hướng hòa bình hợp tác mặc dù có những dư luận trái chiều trong nội bộ Mỹ. 

Tổng thống Nga, Mỹ tại cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Helsinki. Ảnh: Reuters

Trong buổi họp báo tại thủ đô Helsinki của Phần Lan sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ, cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều tỏ ra lạc quan về thành công của hội nghị. Theo nhà lãnh đạo Nga, Chiến tranh Lạnh đã qua đi từ lâu và giờ là thời điểm Washington - Matxcơva cùng nhau giải quyết những vấn đề then chốt.

Những vấn đề “nóng” liên quan đến hai nước được đưa ra tại hội nghị là: Vụ can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, chiến sự ở Syria, vấn đề hạt nhân của Iran và bán đảo Triều Tiên và cuộc chiến ở Ukraine, đều được giải quyết thỏa đáng.

Tổng thống Nga Putin cho rằng, quan hệ Nga - Mỹ đang trải qua giai đoạn khó khăn, tuy nhiên những trở ngại và căng thẳng trong quan hệ song phương không bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan. Ông Putin khẳng định, Nga không can thiệp vào tiến trình bầu cử của Mỹ và sẵn sàng hợp tác trong các nhóm làm việc chung về an ninh mạng.

Tổng thống Putin tuyên bố, Nga và Mỹ có đầy đủ các điều kiện cần thiết để giải quyết tình hình tại Syria, đồng thời sẵn sàng dẫn đầu trong việc phối hợp khắc phục cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây. Tổng thống Putin cũng đánh giá cao các bước đi hiệu quả nhằm giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Trump.

Về phần mình, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, Mỹ mong muốn hợp tác, hòa bình và tình hữu nghị với Nga, đồng thời cho rằng “hợp tác sẽ tốt hơn đối đầu” và tin rằng phía Nga cũng chia sẻ nỗ lực này. Ông Trump cho biết đã thảo luận với ông Putin về những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, đồng thời tuyên bố không có sự thông đồng giữa bộ tham mưu bầu cử của ông với Nga. Tổng thống Trump đánh giá cao đề nghị của Tổng thống Putin về việc điều tra chung vụ 12 người Nga bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ. Tổng thống Trump cũng đã thảo luận với Tổng thống Putin về các vấn đề thực hiện thỏa thuận tiêu hủy tên lửa tầm ngắn và tầm trung, đánh giá cao ý tưởng thành lập nhóm làm việc chung về an ninh mạng và thành lập nhóm làm việc chung để thống nhất “các doanh nghiệp dẫn đầu” của Nga và Mỹ.

Tổng thống Trump kêu gọi Mỹ và Nga cần phải tìm ra các khả năng hợp tác vì lợi ích của toàn thế giới. Ông Trump bày tỏ sự tin tưởng rằng, ông Putin và nước Nga sẽ sẵn sàng hợp tác với Mỹ để giải quyết vấn đề hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, cũng như hợp tác với Mỹ và Israel trong việc giải quyết tình hình tại Syria.

Về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, hai bên ghi nhận sự cần thiết phải tuân thủ thỏa thuận Minsk, đồng thời ông Putin cho rằng, Mỹ cần phải kiên quyết hơn và buộc ban lãnh đạo Ukraine phải thực hiện tiến trình này. Tuy nhiên, lãnh đạo hai nước đã không nhắc đến trong phần họp báo chung cũng như tránh trả lời trực tiếp các câu hỏi của phóng viên.

Ngay sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ kết thúc, hàng loạt nghị sĩ cả Dân chủ lẫn Cộng hòa và nhiều chính trị gia đã lên tiếng chỉ trích với những ngôn từ mạnh mẽ nhất như xấu hổ, yếu kém, đáng hổ thẹn, tồi tệ, Nga không phải là đồng minh. Trong khi đó, cộng đồng tình báo Mỹ cũng ra thông cáo đáp trả tuyên bố của Trump khi khẳng định về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 cũng như các nỗ lực phá hoại nền dân chủ nước này.

Giới phân tích nhận định, Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ đã đưa ra nhiều cam kết chung nhưng lại quá ít giải pháp cụ thể nên thiếu tính khả thi. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ cả hai phía trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Nga - Mỹ.

Tuy nhiên, cả Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đều hài lòng về kết quả cuộc gặp và coi đây là bước đầu tiên cho một tiến trình khởi động lại các cuộc đàm phán tiếp theo, cho dù vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại trong quan hệ song phương và chúng không thể giải quyết ngay trong cuộc gặp đầu tiên giữa tổng thống 2 nước. Đây thật sự là tín hiệu lạc quan mở ra bước ngoặt mới trong quan hệ hai nước. Bởi lẽ, những tuyên bố trên là của hai người quyền lực nhất thế giới và được nhiều người quan tâm.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>