Saudi Arabia tuyên chiến với tham nhũng

09/01/2018 | 07:31 GMT+7

Các biện pháp thắt chặt kinh tế của Saudi Arabia đã dẫn đến mâu thuẫn với các thành viên hoàng gia. Điều này chẳng những gây bất đồng giữa chính quyền với quý tộc mà còn dẫn đến hệ lụy các hoàng tử phải trả giá vì quá khích.

Saudi Arabia bắt giữ 11 hoàng thân sau vụ biểu tình phản đối các biện pháp thắt chặt chi tiêu. Ảnh: ALJAZEERA.COM

Theo đó, mới đây các hoàng tử nước này đã tập trung tại cung điện Qasr al-Hokm yêu cầu chính quyền bãi bỏ một sắc lệnh có hiệu lực gần đây về những đặc lợi dành cho các thành viên hoàng gia. Trong đó, có nội dung chính phủ ngừng chi trả hộ hóa đơn điện nước của các thành viên hoàng gia cũng như đòi bồi thường vì phán quyết tử hình đưa ra trong năm 2016 đối với một trong những người anh họ của họ - Hoàng tử Turki bin Saud al-Kabir.

Mặc dù đã được thông báo yêu cầu của họ là không hợp pháp, song 11 vị hoàng tử này vẫn từ chối rời khỏi cung điện, gây náo loạn tại nơi công cộng và vi phạm luật pháp nước này. Hậu quả cuối cùng là các nhân viên an ninh phải ra tay bắt giữ các hoàng tử nhằm lập lại trật tự. Cảnh vệ tham gia vào vụ bắt giữ này nằm trong đơn vị 5.000 người do Thái tử Mohammed bin Salman chỉ huy. Theo một tuyên bố từ công tố viên hoàng gia, các hoàng tử hiện đang bị giam giữ trong nhà tù Al-Hayer phía Nam thủ đô chờ phiên tòa xét xử.

Việc 11 hoàng tử bị bắt diễn ra trong bối cảnh Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman 32 tuổi, người được cho là sẽ kế ngai vàng của Quốc vương Saudi, vừa thực hiện một chiến dịch truy quét tham nhũng, biển thủ gắt gao trong bộ máy hoàng tộc, hàng chục hoàng tử, quan chức cấp cao và doanh nhân đã bị bắt giữ trong tháng 11-2017. Giới chức nước này ước tính tham nhũng, tham ô đã gây thất thoát cho Vương quốc Saudi Arabia ít nhất 100 tỉ USD trong vài thập niên qua. Chính Thái tử Mohammed bin Salman đã đưa ra những thay đổi sâu rộng mang tính cải cách này. Đây là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng và nhằm củng cố quyền lực của Thái tử Mohammed bin Salam, nhân vật quyền lực số một hiện tại ở Saudi Arabia. Trong đó, tỉ phú Hoàng tử Alwaleed bin Talal, cựu lãnh đạo Tòa án Hoàng gia Khaled Al-Tuwaijri và ông trùm truyền thông Waleed Al-Ibrahim đều nằm trong danh sách những người bị bắt. Tuy nhiên, chiến dịch trên cũng gây ra nhiều tranh cãi và dấy lên quan ngại sẽ khoét sâu mâu thuẫn nghiêm trọng giữa các phe phái trong giới quý tộc Saudi Arabia hiện nay.

Trước đó, Saudi Arabia đã ban hành một loạt chính sách cải cách bao gồm cắt giảm tiền trợ cấp, đưa vào áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) và cắt bổng lộc đối với các thành viên hoàng gia để giải quyết món nợ ngân sách hình thành từ việc giá dầu giảm. Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã đưa ra hàng loạt biện pháp cải cách nhằm cắt giảm các khoản phí phụ trợ, trong khi áp đặt thuế VAT và mới đây để giảm thâm hụt ngân sách, Saudi Arabia ngưng chi trả tiền điện, nước cho các thành viên hoàng gia.

Trong một động thái liên quan, Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia đã đóng băng hàng chục tài khoản của các cá nhân bị điều tra. Đồng thời, các ngân hàng ở Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng được yêu cầu cung cấp thông tin tài sản của 19 thành viên hoàng gia và quan chức Saudi Arabia. Trước đó, vào khoảng tháng 11-2017, chính quyền Riyadh tuyên bố hơn 200 người đã bị bắt giữ để thẩm vấn về vai trò trong mạng lưới tham nhũng, đóng băng ít nhất 800 tỉ USD tài sản.

Giới quan sát nhận định, vụ 11 hoàng tử Vương quốc Saudi Arabia bị bắt như lời tuyên chiến đối với tham nhũng, tham ô ở quốc gia này. Sự kiện trên ví như “giọt nước làm tràn ly” là lời cảnh báo đối với giai cấp quý tộc nói riêng và các phe đối lập nói chung ở Saudi Arabia dự báo cho cuộc nội chiến sắp diễn ra.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>