Shangri-La 2018: Quan tâm giải quyết thách thức khu vực

04/06/2018 | 08:19 GMT+7

Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) lần thứ 17 chính thức khai mạc tại Singapore với sự tham dự của các quan chức quốc phòng cấp cao đến từ hơn 40 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, cùng nhiều học giả hàng đầu trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch dẫn đầu Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự các phiên thảo luận.

Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 với 5 phiên toàn thể, trong đó tập trung vào các chủ đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định khu vực hiện nay, như vai trò của các nước lớn, thách thức an ninh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, vấn đề hạt nhân, trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á, chủ nghĩa khủng bố, nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực. Bên cạnh phiên toàn thể có các phiên đồng thời và vấn đề an ninh biển cũng được thảo luận ở các phiên này.

Tại các phiên thảo luận, nhiều nước đều khẳng định quan điểm tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin là một trong các biện pháp tốt nhất để giải quyết các thách thức mà khu vực đang phải đối mặt. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự các phiên thảo luận.

Tại các phiên thảo luận, các đại biểu đều nhận định đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ trong chính sách của các nước lớn với khu vực. Đó là chuyển dịch trọng tâm về “Châu Á - Thái Bình Dương”, Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, “Vành đai và con đường”. Và hàng loạt các quan hệ nhóm các quốc gia (như: Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản; Australia - Ấn Độ - Nhật Bản)... Mặc dù tất cả đều tuyên bố tích cực hợp tác để vun đắp cho hòa bình, ổn định của khu vực, nhưng thực tế cũng cho thấy khu vực vẫn đang phải đối mặt với thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, trong đó có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, khủng bố… đang hiện hữu một cách rất rõ ràng, đặt khu vực châu Á - Thái Bình Dương đầy tiềm năng và hứa hẹn trước những nguy cơ có thực và cận kề.

Trước những thách thức khu vực đang phải đối mặt, phiên họp về giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, với cam kết hợp tác của các nước để giải quyết khủng hoảng, là một điểm sáng về cơ hội để các bên liên quan ngồi lại với nhau, giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại; thay vì đối đầu, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương. Đây cũng là biện pháp được nhiều nước đề cập trong việc giải quyết được các thách thức trên cơ sở lợi ích chung, tôn trọng luật pháp quốc tế và cơ chế khu vực.

Trong công bố tầm nhìn của Mỹ về khu vực, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định: “Chiến lược của Mỹ nhấn mạnh rằng, không có quốc gia có khả năng hay chắc chắn chế ngự khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Các nước đều phải có trách nhiệm hợp tác xây dựng tương lai chung. Tương lai dựa vào sự tôn trọng chủ quyền và độc lập của mỗi quốc gia lớn hay nhỏ, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại, tự do và công bằng trong các hoạt động thương mại, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế”. Ngoài vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Mattis còn nêu bật một số nội dung trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, như cam kết hỗ trợ các đồng minh châu Á củng cố nền pháp trị và bảo vệ biên giới hàng hải. “Không quốc gia nào có thể và nên thống trị khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”,  ông nhấn mạnh.

Trong bối cảnh “Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á”, nhiều đại biểu cũng đánh giá cao các cơ chế hợp tác khu vực trong việc giải quyết các thách thức. Trong đó, ASEAN là một mẫu hình hợp tác, liên kết thành công của các nước vừa và nhỏ; ngày càng đóng vai trò tích cực, trung tâm cho những nỗ lực chung; định hình cấu trúc an ninh, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định của châu Á - Thái Bình Dương.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>